Sáp nhập kỳ thi tốt nghiệp THPT và kỳ thi ĐH, CĐ vào một kỳ thi chung gọi là kỳ thi quốc gia theo cách “2 trong 1” có thể coi là một bước đột phá mới của ngành giáo dục. Nếu được thực hiện thì đề án này sẽ góp phần tiết kiệm đáng kể ngân sách nhà nước và tiền bạc của phụ huynh học sinh, hạn chế được tiêu cực… Đây là đề án khả thi.
Tuy nhiên, theo kế hoạch, nếu được Chính phủ chấp thuận thì bắt đầu từ năm 2009 cả nước chỉ còn có một kỳ thi quốc gia nhằm hai mục đích: xét công nhận tốt nghiệp THPT cho HS đã học xong chương trình lớp 12 và sử dụng kết quả thi làm căn cứ tuyển sinh vào các trường ĐH, CĐ và trung cấp chuyên nghiệp thì tôi nghĩ quá gấp!
Đây là một đề án lớn, tác động mạnh đến tương lai của hàng triệu HS nên khi được Chính phủ phê duyệt, ngành giáo dục cần phải “bước cẩn thận”, phải có lộ trình cụ thể chứ không nên vội vã. Thực hiện ngay trong năm 2009 là hơi mạo hiểm, dễ dẫn tới thất bại.
Trước khi triển khai đề án này, ngành giáo dục cần giải quyết một cách căn cơ những vấn đề đang vướng víu trước mắt và hoạch định nội dung xây dựng đề án cụ thể như: cách tổ chức thi; khâu coi thi; đề thi; điểm xét công nhận tốt nghiệp THPT...; xây dựng niềm tin cho các trường ĐH, CĐ… khi tuyển sinh HS thi đậu trong kỳ thi quốc gia; HS trượt ở kỳ thi quốc gia hoặc đậu ở kỳ thi quốc gia nhưng không đủ điểm để vào ĐH, CĐ thì giải quyết bằng cách nào; làm gì để có một kỳ thi quốc gia nghiêm túc, đảm bảo không có tiêu cực trong thi cử; giải thích cho HS nắm rõ mục đích của việc sát nhập hai kỳ thi thành một để đại đa số các em tán đồng, hưởng ứng…
Theo tôi, ít nhất phải dành thời gian khoảng 2 năm để hoàn chỉnh đề án. Đề án này nên triển khai vào năm 2011 là hợp lý nhất. Chưa làm xong những vấn đề nêu trên mà đã vội vã tổ chức kỳ thi quốc gia chung thay cho kỳ thi tốt nghiệp THPT và kỳ thi tuyển vào ĐH, CĐ thì khó đạt kết quả cao, không khéo lại rơi vào cảnh buộc phải quay về với việc tách biệt hai kỳ thi tốt nghiệp THPT và ĐH, CĐ như cũ.
Ngôn Luận
(TP Quảng Ngãi)