Những cái chết thương tâm vì sạt lở núi thời gian qua đã gióng lên nhiều hồi chuông cảnh báo. Thế nhưng, gần 1 năm qua, tính mạng của hàng trăm người dân sinh sống tại ven đèo Phú Gia (xã Lộc Tiến, huyện Phú Lộc, tỉnh TT-Huế) bị “treo” lơ lửng trước nguy cơ sạt lở núi thì chẳng mấy ai quan tâm…
Sống chung với… tử thần!
Quan sát tại phía Bắc chân đèo Phú Gia, chúng tôi nhìn thấy hàng trăm tảng đá có trọng lượng trên dưới 1 tấn kết dính với nhau một cách mong manh. Sườn núi là những vết nứt gãy hình vòng cung, vành đai bị đứt gãy, sụt lún kéo dài hơn 300m với độ sâu trung bình từ 3 đến 5m. Lúc đầu chỉ là những mảnh đá nhỏ rơi rụng khi có mưa nhưng từ cuối năm 2007 đến nay, đá lớn trên đỉnh đèo trụt xuống chân núi ngày một nhiều khiến người dân sống và trồng rừng ven đèo hết sức lo sợ.
Chị Phan Thị Hoa - nhà nằm cách chân đèo Phú Gia khoảng 100m - chưa hết bàng hoàng: “Từ ngày nhà anh Tuấn kề sát nhà tui bị đè bẹp bởi tảng đá nặng hơn 500kg từ trên đỉnh núi trụt xuống thì chúng tôi y như ngồi trên lò lửa. Bây giờ, dù đêm hay ngày, hễ nghe có hạt mưa thì tất cả bà con trong xóm lại tay xách nách mang bồng bế con đi ở nhờ”.
Cách nhà chị Hoa không xa, ngôi nhà cấp 4 của anh Trần Đàm có nguy cơ ở mức “báo động đỏ” vì chỉ cách chân núi Phú Gia khoảng 70m. Anh giãi bày: “Một ngày còn sống ở đây là một ngày vợ chồng tui cùng 4 đứa con nhỏ phải nơm nớp. Cũng biết là nguy hiểm nhưng bây giờ chuyển đi thì biết ở đâu?”. Vợ chồng anh Đàm đều không nghề nghiệp, hàng ngày đi làm thuê, chỉ kiếm cơm để nuôi đủ 4 đứa con còn khó nói chi đến chuyện nhà cửa!...
Cấp dưới đổ cấp trên?
Đem sự hoang mang lo sợ của hàng trăm người dân sống ở ven chân đèo Phú Gia đến gặp ông Vương Đình Cổng, Bí thư Đảng ủy UBND xã Lộc Tiến thì ông cho hay: “UBND xã đã nhiều lần phản ánh với lãnh đạo huyện tại các kỳ họp HĐND nhưng huyện nói việc khai thác đất đá tại đèo Phú Gia nằm trong kế hoạch phát triển kinh tế của UBND tỉnh nên phải đợi tỉnh xem xét?”.
Trái với ý kiến của ông bí thư xã Lộc Tiến, ông Võ Văn Minh - Phó Trưởng phòng Tài nguyên - Môi trường huyện Phú Lộc - lại nói: “Chúng tôi chỉ mới nhận được thông tin phản ánh về việc đèo Phú Gia sạt lở. Ngay lập tức, tôi cùng anh Nguyễn Thanh Hà, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Lộc về địa phương kiểm tra thì mới té ngửa khi biết nguyên nhân. Đèo Phú Gia sạt lở chôn vùi hơn héc ta đất sản xuất nông nghiệp ở ven chân đèo là do đơn vị thi công đường từ quốc lộ 1A ra cảng Chân Mây - Lăng Cô khi ngừng công việc khai thác đất đã... quên san lấp mặt bằng. Do vậy khi mưa xuống, nước trên đỉnh đèo chảy mạnh đã cuốn theo đất đá đổ xuống khu vực xung quanh”.
“Phòng đã có phương án khắc phục?”, tôi hỏi. Ông Minh ái ngại: “Chúng tôi đang nghĩ đến phương án hỗ trợ kinh phí để người dân cải tạo lại diện tích đất nông nghiệp bị đất đèo chôn vùi, xây dựng hệ thống dẫn nước quanh khu vực đèo… Nhưng vấn đề này, ngoài khả năng UBND huyện Phú Lộc nên cần đợi tỉnh cấp kinh phí”(?!).
Khi đề cập đến nguy cơ những tảng đá lớn hàng tấn có thể rơi từ đỉnh núi xuống khu dân cư, ông Minh khẳng định: “Từ đèo Phú Gia đến nơi có nhà người dân còn cách một con đường rộng 4m và một khoảng đất trống rộng hàng trăm mét nên không ảnh hưởng” (?!).
Vũ Văn Thắng