SCIC hướng đến trở thành kênh đầu tư của Chính phủ vào nền kinh tế

Ngày 18-1, tại Hà Nội, Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) tổ chức hội nghị công bố và triển khai “Chiến lược phát triển đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2035; Kế hoạch kinh doanh và kế hoạch đầu tư phát triển đến năm 2025” đã được Chính phủ phê duyệt trước đó.

Theo đó, mục tiêu kế hoạch sản xuất kinh doanh trong 5 năm (giai đoạn từ 2021 đến 2025) được SCIC đặt ra bao gồm: doanh thu hàng năm đạt 9.400 tỷ đồng/năm; lợi nhuận sau thuế bình quân hàng năm đạt 6.700 tỷ đồng/năm; tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) bình quân mỗi năm đạt 10% và tỷ suất lợi nhuận trên tài sản (ROA) bình quân hàng năm đạt 9,6%.

Bình quân mỗi năm, SCIC sẽ nộp ngân sách nhà nước 5.400 tỷ đồng/năm và phấn đấu tổng số giải ngân đầu tư chung của cả giai đoạn đến năm 2025 sẽ đạt 36.300 tỷ đồng.

Trong giai đoạn 5 năm tiếp theo (từ năm 2026 đến năm 2030), SCIC đặt mục tiêu tập trung nguồn lực để đẩy mạnh hoạt động đầu tư kinh doanh vốn, ưu tiên đầu tư vào những ngành, lĩnh vực mang lại hiệu quả, những lĩnh vực then chốt, trọng yếu mà Nhà nước cần nắm giữ và SCIC có lợi thế, tạo ra sức lan tỏa và dẫn dắt, mở đường cho các thành phần kinh tế khác cùng đầu tư và phát triển.

scic1-9019.jpg
Sau hơn 17 năm hoạt động kể từ khi thành lập, SCIC đã tạo ra tổng doanh thu 110.432 tỷ đồng, tổng lợi nhuận 85.863 tỷ đồng

Bên cạnh đó, SCIC cũng đặt ra mục tiêu từng bước nghiên cứu chuyển đổi hoạt động theo mô hình tổ chức đầu tư chuyên nghiệp và hiệu quả để thực hiện tốt nhiệm vụ là nhà đầu tư chiến lược của Chính phủ.

Cụ thể, tiếp nhận và cổ phần hóa, tái cơ cấu, bán vốn tại các doanh nghiệp nhà nước không cần nắm giữ vốn, thực hiện tốt và có hiệu quả là định chế, công cụ của Chính phủ để hỗ trợ, thúc đẩy tiến trình cơ cấu lại, sắp xếp đổi mới nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước.

Cùng với đó, củng cố SCIC để bảo đảm đủ các nguồn lực tài chính, quản trị để tập trung thực hiện nhiệm vụ kinh doanh vốn theo cơ chế thị trường và nhiệm vụ được Chính phủ giao. Định hướng sau năm 2025, SCIC sẽ trở thành tổ chức đầu tư tài chính có quy mô vốn chủ sở hữu hàng đầu tại Việt Nam và giai đoạn từ 2031 đến 2035 sẽ là tổ chức đầu tư tài chính chuyên nghiệp, vừa là công cụ, vừa là kênh đầu tư của Chính phủ vào nền kinh tế.

Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Chí Thành, Chủ tịch Hội đồng thành viên SCIC cho biết, kể từ khi đi vào hoạt động từ năm 2006 đến nay, SCIC đã tiếp nhận 1.080 doanh nghiệp (bao gồm 25 tập đoàn, tổng công ty) với tổng vốn Nhà nước hơn 32.339 tỷ đồng. Về bán vốn, SCIC đã bán thành công vốn tại 1.054 doanh nghiệp (bán hết vốn tại 950 doanh nghiệp, bán bớt vốn tại 104 doanh nghiệp và bán quyền mua tại 19 doanh nghiệp), tổng giá trị thu về 51.668 tỷ đồng, gấp 4,1 lần giá vốn ban đầu.

Về sắp xếp và cổ phần hóa, đã có 31 trong tổng số 34 công ty TNHH từ 1 đến 2 thành viên với 100% vốn Nhà nước đã được SCIC tiếp nhận. Về đầu tư kinh doanh vốn, SCIC đã giải ngân đầu tư với tổng số vốn là 37.600 tỷ đồng.

Tính chung sau hơn 17 năm hoạt động kể từ khi thành lập, SCIC đã tạo ra tổng doanh thu 110.432 tỷ đồng, tổng lợi nhuận 85.863 tỷ đồng. Tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu bình quân trong cả giai đoạn đạt 13%/năm. Tổng nộp ngân sách nhà nước là 92.245 tỷ đồng.

Tin cùng chuyên mục