
Lâu nay, nhiều chuyên gia giáo dục đã cho rằng với tình trạng khó tuyển sinh vừa qua, chắc chắn sẽ có xu hướng “đào thải”, sáp nhập trong giáo dục đại học. Nhưng muốn quá trình đó diễn ra nhanh cũng như ổn định thì cơ quan quản lý nhà nước cần can thiệp để “cơ cấu” lại cho hợp lý, bảo đảm chất lượng. Phóng viên Báo SGGP phỏng vấn bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT), về vấn đề này.

Bà Nguyễn Thị Kim Phụng
* PV: Thưa bà, với thực tế nhiều trường đại học, cao đẳng (ĐH-CĐ) tuyển sinh không được, chất lượng đào tạo có vấn đề, Bộ GD-ĐT có biện pháp nào can thiệp hay để các trường tự đào thải?
- Bà NGUYỄN THỊ KIM PHỤNG: Bộ GD-ĐT đã có quy định, những trường 3 năm không tuyển sinh được thì phải xem xét lại. Tuy nhiên, chúng tôi phải phân loại từng trường để có cách xem xét xử lý. Ví dụ, đối với trường công lập thì không phải trường nào cũng thuộc Bộ GD-ĐT. Trường thuộc Bộ GD-ĐT chỉ chiếm hơn 10% tổng số các trường, nên để sắp xếp lại ĐH-CĐ thì Bộ GD-ĐT phải làm việc với các bộ ngành, địa phương đang quản lý trường. Nếu như để trường tiếp tục phát triển thì phải đầu tư về nhiều phương diện, về cơ sở vật chất, giảng viên, quảng bá cho trường, xúc tiến việc làm cho sinh viên của trường, từ đó mới tuyển sinh được.
Còn đối với các trường tư thục thì phải xem họ muốn Nhà nước giúp đỡ, hỗ trợ cái gì để chúng ta thực hiện, giúp họ sống được. Bởi chúng ta đang kêu gọi xã hội hóa giáo dục, nếu để một trường ngoài công lập “chết” là chúng ta mất một nhà đầu tư, tỷ lệ xã hội hóa sẽ giảm xuống. Vì vậy, đối với các trường tư khó tuyển sinh, chúng tôi phải tìm hiểu để xác định có thể hỗ trợ họ được gì. Còn nhà đầu tư thì họ được quyền quyết định có duy trì trường hay không, Nhà nước không thể can thiệp họ phải giải thể hay sáp nhập trường. Bộ GD-ĐT chỉ có thể quản lý bằng quy định nếu 3 - 5 năm không tuyển sinh được thì trường phải đăng ký mở ngành lại, lúc đó Bộ GD-ĐT sẽ xem xét trường có đủ điều kiện để mở ngành lại hay không. Còn trước đó, Bộ GD-ĐT không nên can thiệp vì chủ trương xã hội hóa, vì quyền tự do kinh doanh của nhà đầu tư. Có những trường khó tuyển sinh nhưng nhà đầu tư vẫn nuôi, vẫn duy trì để đến lúc nào đó tuyển sinh được, đó là quyền của họ.
* Nhưng để cải thiện chất lượng đào tạo, Bộ GD-ĐT phải có biện pháp nào đó chứ không thể chỉ dừng ở việc tôn trọng, không can thiệp?
- Gần đây, Bộ GD-ĐT đã bàn về trách nhiệm của các trường đại học lớn đối với toàn hệ thống. Ví dụ, nếu có thể hỗ trợ cho trường nào thì họ liên kết hỗ trợ. Vừa qua đã có trường đầu tiên là Đại học Sư phạm Hà Nội thừa nhận Trường Cao đẳng sư phạm Hà Nam là một cơ sở của mình, vì vậy họ hỗ trợ giảng viên, chương trình đào tạo, quy trình đào tạo, chất lượng đầu ra để tuyển sinh, cấp bằng. Họ tận dụng được toàn bộ cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên của trường cao đẳng. Như vậy, vừa không lãng phí về nguồn lực, vừa nâng được chất lượng đào tạo. Đây là mô hình đầu tiên của trường đại học thuộc Bộ GD-ĐT thực hiện chủ trương mới của bộ. Chúng tôi hy vọng đó sẽ là xu hướng tới đây.
Nhìn chung là phải phân loại từng trường để có cách xử lý.

Sinh viên Đại học Quốc gia Hà Nội say mê nghiên cứu khoa học
* Bộ GD-ĐT từng cho biết sẽ có đề án sáp nhập, giải thể các trường ĐH-CĐ yếu kém, đến nay đã triển khai thế nào?
- Tôi nghĩ sẽ không có đề án sáp nhập, giải thể các trường ĐH-CĐ, mà là cơ cấu lại các trường. Cơ cấu trên cơ sở Bộ GD-ĐT sẽ làm việc với cơ quan chủ quản của các trường để có hướng giải quyết hợp lý. Mô hình của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội với Trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nam là hình mẫu phối hợp giữa Bộ GD-ĐT với UBND tỉnh Hà Nam, chúng tôi sẽ rút kinh nghiệm để nhân rộng.
Còn nếu muốn lập đề án thì phải là đề án của Chính phủ, vì liên quan tới nhiều bộ ngành, Bộ GD-ĐT hiện chỉ quản lý khoảng 50 - 60 trường đại học, kể cả các trường đại học thành viên của Đại học Quốc gia, đại học vùng, còn lại cả hệ thống hơn 400 trường là thuộc bộ ngành, địa phương.
* Thông tư 32 mà Bộ GD-ĐT vừa ban hành có được coi là giải pháp hữu hiệu để giải quyết vấn đề khó tuyển sinh của các trường cũng như nâng cao chất lượng đào tạo đại học?
- Để xử lý điều đó thì phải là cả một hệ thống giải pháp, không thể có giải pháp riêng lẻ mà giải quyết hết được các vấn đề. Tôi cho rằng hỗ trợ giữa các trường lớn với trường tuyển sinh còn khó khăn cũng là một cách làm. Đối với trường tư thì bộ chỉ có thể hỗ trợ về mặt quản lý nhà nước, chính sách, còn nhà đầu tư phải quyết định. Hoặc Thông tư 32 mà Bộ GD-ĐT vừa ban hành cũng là một giải pháp quan trọng. Theo đó, các trường đại học thì tiến tới không tuyển sinh cao đẳng, trung cấp nữa, để tập trung nguồn tuyển cao đẳng, trung cấp cho các trường hệ này. Rồi quy định về quy mô sinh viên chính quy tối đa đã cũng được đưa ra để các trường tập trung hơn cho việc nâng cao chất lượng đào tạo, từ đó dần dần cải thiện việc khó tuyển sinh. Như vậy phải là đan xen các giải pháp. Và quan trọng là phải có lộ trình phù hợp.
* Còn hướng cổ phần hóa các trường ĐH-CĐ công lập, theo bà liệu có nên nhân rộng?
- Đó cũng là một giải pháp mà hiện nay các bộ ngành đã làm với trường thuộc chủ quản của mình. Khi nói đến cổ phần hóa, người ta hay nghĩ đến việc huy động vốn, nhưng tôi cho rằng, phải có sự thay đổi cơ chế quản lý, đó mới là thay đổi thực sự dẫn đến thay đổi về chất sau cổ phần hóa của một trường ĐH. Nếu làm đúng như vậy thì cổ phần hóa là cơ hội vừa để huy động vốn đầu tư cho trường, vừa thay đổi cơ chế quản lý của trường đó.
LÂM NGUYÊN