Lần đầu tiên lưu diễn ở TPHCM, Đoàn xiếc thú chuyên nghiệp LHL do NSƯT Lê Hồng Lộc làm trưởng đoàn, hoạt động theo phương thức xã hội hóa, đã được đông đảo khán giả đón xem thích thú. Đây là đoàn xiếc thú duy nhất ở Việt Nam hiện nay. Chúng tôi đã trao đổi với NSƯT Lê Hồng Lộc, trưởng đoàn.
- PV: Lâu nay, hầu hết các đoàn xiếc đều trình diễn tổng hợp, vì sao anh lại chỉ đầu tư thực hiện xiếc thú?
NSƯT Lê Hồng Lộc: Cách đây 24 năm, trong một lần trình diễn tiết mục đi thăng bằng trên dây, tôi bị rơi từ trên cao xuống chấn thương cột sống. Bác sĩ khuyên tôi không nên theo nghề xiếc nữa. Tuy nhiên, dấn thân theo nghề mà lại nghỉ giữa chừng thì còn gì buồn hơn. Vì vậy, tôi nghĩ nếu không còn xiếc người được nữa thì chuyển sang xiếc thú. Tất cả phải học, làm lại từ đầu. Tiết mục đầu tiên tôi trình làng là xiếc gấu, sau đó tôi huấn luyện thêm các loại thú khác như chó, khỉ, mèo… Tài liệu về huấn luyện thú làm xiếc ở Việt Nam hầu như chưa có, tôi phải nhờ bạn bè ở Nga gởi về để tham khảo, học hỏi. Khi gắn bó với xiếc thú, tôi càng thấy thú vị và quyết định thành lập hẳn một đoàn xiếc thú.
- Để có dàn “diễn viên” thú làm xiếc được như hôm nay, anh hẳn phải tốn rất nhiều công sức?
Cái khó nhất của xiếc thú là việc chọn thú. Khi mới vào nghề, có lúc tôi cũng thất bại với những chọn lựa của mình, nhất là chọn gấu làm xiếc. Có khi huấn luyện 10 con gấu nhưng qua thời gian thử thách, chỉ chọn được 4 con làm tốt. Để có được một động tác diễn xiếc, thú phải được huấn luyện ít nhất 3 tháng. Còn 1 tiết mục xiếc thú hoàn chỉnh với nhiều động tác khác nhau phải mất ít nhất 3 năm.
- Nghe nói anh còn huấn luyện thú cho các đoàn xiếc bạn…
Tôi đã huấn luyện và chuyển giao thú biểu diễn cho khá nhiều đơn vị xiếc tại nhiều tỉnh thành như: TPHCM, Long An… Đến nay, chỉ riêng gấu, tôi đã huấn luyện được 30 con cho nhiều đoàn xiếc biểu diễn; còn chó, khỉ cũng đã huấn luyện vài chục con.
- Vừa quản lý đoàn xiếc, vừa huấn luyện, cung cấp “diễn viên” thú cho các đơn vị khác, vậy có khi nào anh “giấu nghề”?
Khi đã làm xiếc thú chuyên nghiệp, tôi luôn muốn những sản phẩm của mình đưa ra lúc nào cũng tốt nhất. Mỗi khi nhận đơn đặt hàng huấn luyện thú của các đơn vị, tôi luôn làm việc hết mình để tăng thêm uy tín. Nhờ vậy mà hiện nay, hầu hết các đoàn xiếc ở khắp mọi nơi đều có tiết mục xiếc thú do tôi huấn luyện.
- Khán giả luôn đòi hỏi phải có sự đổi mới thường xuyên, vậy lần sau tái ngộ khán giả thành phố, anh sẽ giới thiệu những gì?
Dịp tết năm sau tái ngộ khán giả thành phố, ngoài những tiết mục lần này, tôi sẽ tăng cường biểu diễn thêm nhiều tiết mục khác như xiếc gà, xiếc heo…
- Ở các nước có cả xiếc sư tử, hổ, hà mã,… tương lai anh có huấn luyện những loài thú này?
Đây là những loài thú đòi hỏi phải có sự đầu tư lớn. Với một đơn vị nghệ thuật xã hội hóa như chúng tôi, khó mà thực hiện. Trước đây, tôi từng đặt mua hà mã để huấn luyện nhưng sau khi đối tác nước ngoài đến kiểm tra chuồng trại, thấy chưa đạt chuẩn nên họ từ chối chuyển giao. Với các loài thú như sư tử, hổ… cũng thế.
- Với trên 20 năm kinh nghiệm huấn luyện thú làm xiếc, anh có nghĩ đến việc sẽ truyền nghề?
Xiếc thú hiện nay mới chỉ là sự khởi đầu nên nếu muốn phát triển phong phú, nhiều người thích hơn thì phải nhân rộng ra. Trong khi đó, hiện nay việc giảng dạy, huấn luyện thú làm xiếc hoàn toàn chưa có tài liệu hoàn chỉnh, anh em làm nghề chủ yếu nhờ vào kinh nghiệm. Vì vậy, tôi đã đề xuất với Liên đoàn Xiếc Việt Nam thực hiện biên soạn sách chuyên về chọn và huấn luyện các loại thú làm xiếc. Dự án này, tôi sẽ thực hiện và ra mắt vào năm 2011.
Đỗ Hạnh (thực hiện)