Ngay sau khi Báo SGGP số ra ngày 6-12 đăng bài “Lạm dụng lao động trẻ em: SOS!”, chiều 6-12, phóng viên Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với bà Mai Thị Hoa, Trưởng phòng Bảo trợ xã hội, Sở LĐTB-XH TP.
- Trước tình trạng bạo hành với trẻ em, lạm dụng lao động trẻ em trên địa bàn TPHCM, trách nhiệm của Sở LĐTB-XH TP thể hiện như thế nào?
- Bà MAI THỊ HOA: Đây là vấn đề nhức nhối của TP, tuy nhiên việc này có liên quan đến trách nhiệm của nhiều ngành, nhiều cấp, vì vậy rất cần sự phối hợp của các ngành, nhất là công an vì chỉ Sở LĐTB-XH thì không thể xoay trở nổi. Hiện nay, mức xử lý các cơ sở, cá nhân lạm dụng sức lao động trẻ em quá thấp, không đủ răn đe. Cần thiết thì phải đưa các đối tượng này ra kiểm điểm, giám sát ở địa phương. Sở LĐTB-XH sẽ tham mưu cho UBND TP và các ngành chức năng điều tra, kiểm tra tình trạng sử dụng lao động trẻ em trong cộng đồng, kể cả trẻ lang thang để có biện pháp xử lý.
- Biện pháp xử lý những trường hợp này ra sao, thưa bà?
- Về cách xử lý, với những em không xác định được thân nhân sẽ được đưa vào các cơ sở bảo trợ xã hội, những em có gia đình thì trả về địa phương, nhưng sẽ yêu cầu địa phương xử lý trách nhiệm cha mẹ các em. Điều đáng trách nhất là nhiều bậc cha mẹ rất nhẫn tâm, đưa con cho những đầu nậu, chủ cơ sở để dẫn vào TP làm việc, còn tiền thì được gửi trực tiếp về cho mình mua sắm, tiêu xài. Họ không quan tâm đến việc con mình bị hành hạ, lao động vất vả thế nào. Cần phải có một hình thức xử lý mạnh tay với những bậc cha mẹ nhẫn tâm như vậy, đồng thời phải xem xét lại trách nhiệm của những địa phương đã để các em vào TP ăn xin, lao động nặng nhọc.
Lập đoàn kiểm tra những địa chỉ Báo SGGP đã phản ánh
Ngay sau khi báo thông tin về tình trạng các cơ sở may gia công sử dụng lao động trẻ em sai luật trên địa bàn phường, bà Lê Thị Nga, Chủ tịch UBND phường 10, quận Tân Bình đã chỉ đạo lập đoàn kiểm tra để giải quyết. Sáng nay (7-12), phường sẽ họp với các chủ cơ sở may gia công đang sử dụng lao động trẻ em. Bà Nga cho biết, với những cơ sở vi phạm, sẽ áp dụng biện pháp xử lý mạnh, buộc chủ cơ sở ký hợp đồng lao động với các em (16 tuổi trở lên). Với những em dưới 16 tuổi, buộc chủ cơ sở trả về địa phương. Phường sẽ kiểm điểm những cán bộ có liên quan do không theo dõi sát địa bàn, để xảy ra vi phạm. Bà Đỗ Thị Ngọc Lan, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân số - Gia đình và trẻ em quận Tân Bình cho biết thêm: Hai phường 10 và 15 là nơi có nhiều cơ sở vi phạm. Năm 2006, quận đã xử lý 65 trường hợp, đối với những em dưới 15 tuổi, quận yêu cầu chủ cơ sở trả về địa phương.
Tại quận 11, bà Huỳnh Mai, Trưởng phòng LĐTB-XH quận 11 cho biết, quận chỉ cấm cơ sở sản xuất có chất gây độc hại sử dụng lao động trẻ em, còn với cơ sở bình thường thì vẫn cho phép, vì đây cũng là nguồn thu nhập của các hộ nghèo. Quận cũng đã chỉ đạo cơ quan chức năng rà soát lại tình hình để có hướng xử lý cụ thể.
Ngay trong ngày, lãnh đạo quận Tân Phú đã có công văn gửi tất cả các phường lập đoàn kiểm tra, giám sát việc sử dụng lao động chưa thành niên để xử lý dứt điểm (từ 5-12-2007 đến 20-1-2008). Với những cơ sở báo phản ánh, quận đã làm việc với lãnh đạo phường và chỉ đạo giải quyết triệt để, không được để xảy ra tình trạng tương tự trên địa bàn.
H.HIỆP - Q.LÂM