Lạc Cầm 16 đã bay cao, ngân xa

Ngày 17 tháng 11 năm 2004 tại Hà Nội, Trung tâm Nghiên cứu - bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam đã long trọng tổ chức lễ công bố Lạc Cầm 16 - kết quả sau 44 năm miệt mài nghiên cứu sáng tạo của nhà giáo, nhạc sĩ Mác Tuyên.
Lạc Cầm 16 đã bay cao, ngân xa

Ngày 17 tháng 11 năm 2004 tại Hà Nội, Trung tâm Nghiên cứu - bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam đã long trọng tổ chức lễ công bố Lạc Cầm 16 - kết quả sau 44 năm miệt mài nghiên cứu sáng tạo của nhà giáo, nhạc sĩ Mác Tuyên.

Với tấm lòng thiết tha yêu quý nghệ thuật dân tộc, nhà giáo - nhạc sĩ Mác Tuyên đã giành gần trọn đời mình cho việc sáng chế cây đàn Lạc Cầm với mong ước đóng góp cho kho tàng âm nhạc dân tộc nước nhà thêm phong phú. Nhạc sĩ Mác Tuyên đã từ ý tưởng đến thai nghén một nhạc khí đa năng, đa điệu, đa âm sắc, đẹp về tạo dáng, phong thái diễn tấu phóng khoáng, đáp ứng nhu cầu thẩm mỹ của thời đại mà bản sắc dân tộc không phai nhạt.

Lạc Cầm 16 đã bay cao, ngân xa ảnh 1

Cây đàn Lạc Cầm 16 được ra mắt, một đóng góp đáng kể cho kho tàng âm nhạc dân tộc nước nhà.

Hành trình thử nghiệm Lạc Cầm của nhạc sĩ Mác Tuyên kéo dài gần nửa thế kỷ, đã không ít lần thất bại nhưng ông không nản lòng bỏ cuộc. Từ Lạc Cầm thứ nhất ra đời năm 1960, đến Lạc Cầm 2 ra đời năm l970, Lạc Cầm 12 (1986), Lạc Cầm 13 (1987), Lạc Cầm 15 (1995) càng lộ dần sắc dáng lung linh, uyển chuyển của con chim Lạc sải dài cánh bay trên bầu trời đất Việt bao la.

Xin nói rõ thêm: Lạc, là con chim Lạc huyền thoại. Cầm là đàn. Lạc Cầm là tên một nhạc khí mới sáng chế, dựa theo mô típ con chim Lạc, hoa văn trống đồng Ngọc Lũ, được phỏng và cách điệu, tạo dáng cho Lạc Cầm. Từ Lạc Cầm 12, 13, 15 đến Lạc Cầm 16 khác nhau về hình thái và vóc dáng, nhưng vẫn đảm bảo âm lượng và âm sắc, không làm lu mờ nét dân gian truyền thống.

Lạc Cầm 16 là một loại nhạc khí mới, đa năng, đa điệu, đa âm sắc; được thiết chế liên hoàn trên cơ sở khai thác âm sắc cổ truyền dân tộc nhằm đáp ứng nhu cầu thẩm mỹ mới, phong phú, sinh động của cuộc sống đương đại. Trong quá trình nghiên cứu, sáng tạo, nhạc sĩ Mác Tuyên đã không ít lần thất bại nhưng luôn luôn được sự góp ý, cổ vũ của giáo sư Lưu Hữu Phước, nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát, GS Trọng Bằng, GS Trần Văn Khê, các nhạc sĩ Phạm Đình Sáu, Trần Thị Thu Hà, Dương Viết Á… và các cấp lãnh đạo của tỉnh Phú Khánh trước đây và tỉnh Khánh Hòa hôm nay, cùng một số bạn bè trên thế giới khi tiếp xúc với Lạc Cầm.

Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh đã tiếp và động viên, cổ vũ nhạc sĩ Mác Tuyên bằng những lời chân tình: “...Tôi đã xem biểu diễn Lạc Cầm trên tivi và xem tập ảnh Lạc Cầm cùng bài viết về Lạc Cầm của giáo sư Phan Ngọc Liên, tôi thấy ý nghĩa khoa học và công lao sáng tạo của anh Mác Tuyên dồn vào công trình khoa học Lạc Cầm vô cùng quý báu cho đất nước và dân tộc...”.

Từ năm 1986, lần đầu tiên Lạc Cầm thứ 12 xuất hiện ở Hà Nội, bằng những ngón đàn điêu luyện của nghệ sĩ Hoàng Anh Tú. Tiếp theo, năm 1987, nghệ sĩ Khắc Chí đã thể hiện thành công âm thanh huyền ảo của Lạc Cầm 12. Và, Lạc Cầm 13 đã ra đời qua ngón đàn tài hoa của các nghệ sĩ ưu tú Thanh Tâm, Đức Thành, Ngọc Bích, được Hội đồng cải tiến nhạc khí dân tộc toàn quốc xếp giải A. Đến năm 1995, Lạc Cầm 15 ra mắt khán giả thủ đô Hà Nội và qua Đài Truyền hình Việt Nam, bằng ngón đàn điêu luyện của nhạc sĩ Hoàng Anh Tú.

Năm 1996 với tài nghệ của mình, hai nghệ sĩ Nguyễn Tiến và Quang Vinh đã nâng cánh Lạc Cầm 15 bay cao hơn, chinh phục được Hội đồng Khoa học âm nhạc quốc gia, do nhạc sĩ Phạm Đình Sáu làm chủ tịch đã đánh giá cao đặc trưng khoa học và khả năng âm nhạc Lạc Cầm 15. Chủ tịch nước đã tặng nhạc sĩ Mác Tuyên Huân chương Lao động hạng 3 với thành tích xuất sắc trong lao động sáng tạo. Lạc Cầm 16 đã kế thừa và phát huy những tinh túy của Lạc Cầm 15 nhưng được hoàn thiện hơn một mức.

Lạc Cầm 16 nhất định sẽ bay cao, bay xa mà trước mắt sẽ được trình diễn tại TP Hồ Chí Minh - một trung tâm văn hóa lớn của đất nước.
 

GS HOÀNG CHƯƠNG

Tin cùng chuyên mục