Nhớ đạo diễn Nguyễn Khánh Dư – Một tài năng tâm huyết cùng nghệ thuật

Nhớ đạo diễn Nguyễn Khánh Dư – Một tài năng tâm huyết cùng nghệ thuật

Ngày tôi còn là một thanh niên mới học hết phổ thông, tôi đã từng mon men đến Xưởng phim truyện Việt Nam (số 4 Thụy Khuê – Hà Nội). Khi ấy, điện ảnh là một thánh đường xa lạ, huyền bí và là niềm mơ ước của tôi.

Và tôi đã gặp Khánh Dư (với vai trò quay phim chính) ngồi cùng máy quay, người phụ quay trên một chiếc cần trục (gur) có thể nâng cao 5, 6m rồi lại hạ xuống sát mặt đất. Tôi chưa biết tên ông, nhưng tôi say sưa nhìn ngắm, theo dõi mọi cử chỉ của ông khi thực hiện cảnh quay… Tôi thấy ông sao mà sung sướng thế! Từ sau hôm đi xem quay phim ấy tôi mơ ước có ngày mình sẽ được theo nghề Điện ảnh…

Nhớ đạo diễn Nguyễn Khánh Dư – Một tài năng tâm huyết cùng nghệ thuật ảnh 1

Đạo diễn Khánh Dư.

Các nhà Điện ảnh thuộc thế hệ đầu tiên hầu như ai cũng hết mình vì công việc, bởi họ được lựa chọn để gánh vác một sứ mạng lớn: Mở đầu và phát triển nền Điện ảnh cách mạng VN… Với Khánh Dư còn hơn như vậy. Tuy cũng là những cán bộ chính trị được cử về làm điện ảnh như các đạo diễn, quay phim đương thời, nhưng ông là một người làm Điện ảnh “bản năng”, như thể trời sinh ông ra để làm phim vậy…

Ông không hề được tham gia một khóa đào tạo chính quy hay tại chức nào về nghiệp vụ quay phim, đạo diễn như những người cùng thời (quay phim Quang Tuấn, Nguyễn Xuân Chân; đạo diễn Khắc Lợi, Lê Đăng Thực… chẳng hạn). Từ trường “Thiếu sinh quân” trong kháng chiến ông chuyển sang làm nhiếp ảnh, phụ quay phim tài liệu, rồi thành quay phim chính của Xưởng phim Việt Nam.

Chỉ hai năm sau, năm 1962, nhà quay phim Khánh Dư đã trở thành một quay phim hàng đầu của phim truyện VN qua bộ phim vẫn được xếp vào loại kinh điển của điện ảnh nước ta (“Chị Tư Hậu” của đạo diễn Phạm Kỳ Nam). Lớp người đi sau chúng tôi đã vô cùng kinh ngạc trước tài năng “xuất thần” của nhà quay phim Nguyễn Khánh Dư qua các cảnh quay đầy cảm xúc mà chúng tôi không biết ông đã làm cách nào để thực hiện nổi (như cảnh quay chị Tư Hậu bị giặc hiếp trong lều cá, và cảnh chị chạy lao ra biển tự tử, cảnh Tư Hậu tiễn chồng lên chiến khu ở đoạn cầu gãy v.v…).

Tôi cũng đã hỏi ông về việc dàn dựng, quay phim và những thủ pháp để thực hiện được những cảnh quay ấy… Nhưng ông chỉ cười, nói nhỏ nhẹ rằng: “Hồi ấy tụi mình có biết gì nhiều đâu, kiến thức điện ảnh cũng rất ít ỏi, kinh nghiệm sống còn mỏng nhưng mình làm bằng tình cảm hồn nhiên, bằng cái tâm - lòng chân thành và sự rung động thực sự…”.

Sau năm 1975, Nguyễn Khánh Dư chuyển sang làm đạo diễn, nhiều người đã luyến tiếc tài năng quay phim của ông… Thế nhưng khi xem bộ phim đầu tay “Đứa con nuôi” của đạo diễn Nguyễn Khánh Dư tôi lại một lần nữa ngạc nhiên về “Bản năng nghệ thuật” của ông. Đến “Mẹ vắng nhà” bộ phim đã đưa đến cho ông giải Bông sen vàng tại Liên hoan phim quốc gia năm 1980 và một số giải quốc tế khác thì tài năng đạo diễn của Nguyễn Khánh Dư không ai có thể phủ nhận được...

Với ông đoàn làm phim là một gia đình lớn, ông luôn gần gũi, quan tâm, trò chuyện với mọi người… Những buổi tối, sau ngày quay vất vả ông thường ngồi với anh em quanh mâm rượu để trao đổi chuyện nghề, chuyện đời. Trong sinh hoạt hàng ngày, ông luôn là người hành động, nói là làm. Tôi nhớ mỗi lần đi cùng ông ngoài đường, ông thường đi rất nhanh, bước rất dài khiến tôi phải đi theo ông rất vất vả. Hỏi ông, ông bảo “Người vùng cao leo núi nhiều nên chân khỏe” thế nhưng không hiểu sao khí chất mạnh mẽ ấy lại có thể hòa hợp với khả năng thâm trầm, sâu lắng khi ông bộc lộ sâu sắc vốn hiểu biết về văn minh phương Đông.

Những năm cuối đời, ông mang bệnh tim mạch, phế quản… ông đi lại, hít thở, nói năng khó khăn hơn, nhất là vào buổi sáng. Thế nhưng, bên cạnh giường, trên bàn làm việc của ông vẫn có rất nhiều sách báo, tài liệu về Điện ảnh, về Triết học… Tôi hỏi về Điện ảnh, ông nói bây giờ Điện ảnh VN đã được chuyển giao cho thế hệ khác rồi, những người làm phim trẻ có thể không hiểu được thế hệ của ông và cũng có thể ông không hiểu được họ nữa… nhưng có lẽ như thế Điện ảnh mới phát triển…

Tôi biết đó là cách nói khiêm tốn của ông, bởi tôi tin thế hệ chúng tôi, con em chúng tôi sẽ còn phải học tập ở ông, ở thế hệ khai sinh điện ảnh VN nhiều lắm… Riêng bản thân mình tôi không bao giờ quên lời của ông khi ông nói về những cảnh quay trong phim “Chị Tư Hậu”: Cái quan trọng nhất, hơn cả tài năng, ý chí là những tình cảm hồn nhiên, là sự tâm huyết, chân thành với nghệ thuật và với cuộc sống.

NSƯT - Đạo diễn Nguyễn Hữu Phần

Nghệ sĩ Nhân dân Nguyễn Khánh Dư sinh tại thị xã Cao Bằng năm 1933. Là nhà quay phim tài ba, ông đã để lại những thước phim kinh điển của điện ảnh nước nhà như: Chị Tư Hậu (1962), Người chiến sĩ trẻ (1964), Biển lửa (1965), Hai bà mẹ (1974)… Ông đoạt giải quay phim xuất sắc tại LHP quốc gia lần thứ 2 (1973) với bộ phim Chị Tư Hậu, và tiếp tục đoạt giải thưởng này tại LHP quốc gia lần thứ 4 (1977) với phim truyện Hai bà mẹ và phim tài liệu Thành phố lúc rạng đông (1975).

Từ năm 1976, khi chính thức là đạo diễn, ông chọn cho mình chỗ đứng khó người thay thế, đó là đề tài thiếu nhi. Bộ phim đầu tiên Đứa con nuôi (dựa theo truyện của nhà văn Nguyễn Khải, 1976) và tiếp đến là Những đứa con (dựa theo truyện của nhà văn Nguyễn Kiên, 1977) đã là nền tảng cho ông chắt lọc nên tác phẩm nổi tiếng Mẹ vắng nhà (dựa theo truyện của nhà văn Nguyễn Thi, 1979). Bộ phim đã đoạt giải Bông sen vàng tại LHP quốc gia lần thứ V (1980) và giải thưởng tại LHP quốc tế Karlovy Vary (1980). Tiếp đó là Cây xương rồng trên cát (1982), Trăng rằm (Bông sen bạc LHP quốc gia lần thứ 6, 1983), Đàn chim trở về (Bông sen bạc LHP quốc gia lần thứ 7, 1985), Bọn trẻ (Bông sen vàng và giải Đạo diễn xuất sắc LHP quốc gia lần thứ 10, 1993)... Ông đã được phong tặng danh hiệu NSND và Giải thưởng Nhà nước trong đợt đầu tiên. Ông mất lúc 12 giờ 10 ngày 3-12-2007.

Tin cùng chuyên mục