Sở GD-ĐT Hà Nội đề xuất tiếp tục thực hiện và mở rộng chương trình đào tạo song bằng

Ngày 4-4, Sở GD-ĐT Hà Nội tổ chức hội thảo về công tác triển khai Đề án thí điểm chương trình đào tạo song bằng cấp THCS và THPT.

Sở GD-ĐT Hà Nội tổ chức hội thảo về công tác triển khai Đề án thí điểm chương trình đào tạo song bằng cấp THCS và THPT
Sở GD-ĐT Hà Nội tổ chức hội thảo về công tác triển khai Đề án thí điểm chương trình đào tạo song bằng cấp THCS và THPT

Với các quyết định phê duyệt đề án này, từ năm học 2017-2018 đến nay, Hà Nội có 2 trường THPT triển khai thí điểm chương trình đào tạo song bằng tú tài Việt Nam và tú tài Anh quốc gồm THPT Chu Văn An và THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam.

Ở cấp THCS, có các trường thí điểm chương trình đào tạo song bằng gồm: khối THCS của Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam, THCS Cầu Giấy, THCS Nghĩa Tân, THCS Trưng Vương, THCS Ngô Sĩ Liên, THCS Thanh Xuân, THCS Chu Văn An. Tính đến tháng 5-2023, toàn thành phố có gần 1.200 học sinh tham gia chương trình song bằng.

Báo cáo của Sở GD-ĐT Hà Nội cho thấy, sau 7 năm thực hiện, Đề án thí điểm song bằng đã cho thấy hiệu quả của một mô hình giáo dục mới. Kết quả học sinh hệ song bằng đạt được điểm A* và A, cao hơn tỷ lệ trung bình trên toàn thế giới, đặc biệt trường THPT Chu Văn An xếp thứ hạng tốp 10/160 quốc gia có kết quả cao khi thực hiện chương trình Cambridge.

Các trường THCS thực hiện Đề án thí điểm song bằng cũng cho kết quả cao tương tự.

Với chất lượng ngày một nâng cao về giáo dục đại trà và giáo dục mũi nhọn, kết quả của đề án đáp ứng mong đợi của học sinh và cha mẹ học sinh, sức hút của chương trình thí điểm song bằng cũng ngày một lớn. Số học sinh đăng ký thi tuyển vào chương trình song bằng hàng năm luôn cao và có xu hướng tăng dần theo các năm.

Tuy nhiên, theo lộ trình của Đề án, từ năm học 2021-2022 đã không tuyển mới học sinh lớp 6 hệ song bằng ở cấp THCS. UBND TP Hà Nội ra quyết định kéo Đề án song bằng tú tài tại Trường THPT Chu Văn An và Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam từ năm học 2023-2024 đến hết năm học 2026-2027 nhằm đảm bảo quyền lợi học sinh hệ song bằng cấp THCS được tiếp tục theo học theo Đề án ở cấp THPT.

Nêu ý kiến tại hội thảo, đại diện các nhà trường, giáo viên, phụ huynh, học sinh trực tiếp tham gia thực hiện đề án đều bày tỏ mong muốn chương trình tiếp tục được tuyển sinh, phát triển.

Lãnh đạo Sở GD-ĐT Hà Nội cho rằng, để có thể tiếp tục triển khai đề án ở giai đoạn tiếp theo, các nhà trường cần hoàn thiện xây dựng đề án, trong đó tập trung nghiên cứu tham mưu đề xuất cơ chế phù hợp nhằm tháo gỡ vướng mắc về đội ngũ giáo viên giảng dạy chương trình quốc tế tại trường công lập; đề xuất cơ chế tài chính bảo đảm nguyên tắc minh bạch, đúng quy định.

Sở mong UBND TP Hà Nội, Bộ GD-ĐT tiếp tục nghiên cứu, xem xét, tạo điều kiện cho phép mô hình giáo dục mới, tích hợp với chương trình quốc tế có thể được triển khai trong giai đoạn tới nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển của xã hội cũng như nhu cầu thực tế của đông đảo học sinh và phụ huynh.

Tin cùng chuyên mục