Ông Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng Hà Nội cho biết, qua giám sát cho thấy tại 30/30 quận, huyện của Hà Nội đều đã ghi nhận có người mắc sởi, trong đó bệnh nhân nhiều nhất tập trung tại các quận nội thành như Đống Đa, Hà Đông, Hoàng Mai, Bắc Từ Liêm...
Nhóm mắc bệnh chủ yếu là trẻ dưới 5 tuổi chiếm tới gần 70%, trong đó trẻ dưới 1 tuổi chiếm tỷ lệ cao nhất.
Đáng chú ý, hầu hết trẻ mắc sởi đều chưa được tiêm ngừa vaccine hoặc tiêm phòng chưa đầy đủ.
Trong đó có nhiều trẻ dưới 9 tháng chưa đến lịch tiêm chủng đã mắc bệnh do miễn dịch mẹ truyền cho con không đủ. Trước thực trạng trên, các chuyên gia dịch tễ đã cảnh báo nguy cơ bùng phát dịch sởi ở Hà Nội là rất đáng lo ngại.
Trong khi đó, tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cũng liên tục tiếp nhận điều trị nhiều bệnh nhân mắc sởi tới từ nhiều tỉnh, thành phía Bắc như Hưng Yên, Nam Định, Thái Nguyên và Hà Nội và phần lớn đều là trẻ nhỏ chưa được tiêm phòng vaccine ngừa sởi.
GS.TS Bùi Vũ Huy, Trưởng Khoa Nhi, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cho biết, trong số 3 bệnh nhi mắc sởi nặng đang được điều trị tại khoa có 2 trẻ nam 11 tháng tuổi là cặp song sinh tiên lượng rất xấu. 2 bé vào viện trong tình trạng sốt nóng liên tục, kèm theo ho, chảy nước mắt, mũi, đi ngoài phân nát.
Đến ngày thứ 4, trên người hai bé xuất hiện ban đỏ trên toàn thân, ho tăng nhiều, ăn uống nôn chớ nhiều.
Đến nay sau 1 tuần điều trị, cặp song sinh 11 tháng tuổi này vẫn trong tình trạng suy hô hấp, viêm phổi nặng trên nền bệnh sởi nên sức khỏe rất nguy kịch.
Trước đó cặp song sinh này cũng chưa được tiêm vaccine phòng bệnh sởi dù theo lịch tiêm chủng, trẻ bắt đầu được tiêm vaccine sởi từ khi 9 tháng tuổi.
Trước nguy cơ dịch sởi có thể bùng phát, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo, sởi là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus gây ra.
Bệnh lây theo đường hô hấp qua các giọt bắn dịch tiết từ đường hô hấp của người mắc bệnh hoặc cũng có thể qua tiếp xúc trực tiếp. Mọi người đều có thể bị mắc sởi và dễ lây lan thành dịch, đặc biệt ở trẻ em chưa được tiêm phòng đầy đủ.
Một người chưa từng mắc sởi, không được tiêm vaccine thì gần như 100% sẽ mắc bệnh nếu tiếp xúc với nguồn bệnh.
Biểu hiện của bệnh sởi là: sốt, phát ban và viêm long đường hô hấp. Bệnh sởi có thể dẫn đến những biến chứng nặng như: viêm tai giữa, viêm phổi, tiêu chảy, khô loét giác mạc mắt, viêm não... nên dễ dẫn đến tử vong.
Để chủ động phòng chống bệnh sởi, người dân hãy đưa trẻ từ 9-12 tháng đến cơ sở y tế để được tiêm vaccine phòng sởi mũi 1 và tiêm nhắc lại mũi 2 khi trẻ trên 18 tháng tuổi. Đây là cách tốt nhất để phòng bệnh sởi cho trẻ.