

Vicente Sanchez ghi bàn thắng quyết định mang về cho Uruguay chiếc huy chương đồng.
Thua Brazil trong loạt sút luân lưu đầy bất trắc ở bán kết (sau khi dẫn trước một cách thuyết phục trong hiệp 1), Uruguay đã sử dụng trận tranh hạng 3 Copa America 2004 như là một cơ hội chứng tỏ khả năng thật sự của họ. Ngay sau tiếng còi khai cuộc của trọng tài người Bolivia Rene Ortube 3 phút, Estoyanoff đã nhanh chóng hạ thủ môn Henao của Colombia.
Bàn mở tỷ số sớm của Estoyanoff buộc Colombia phải lao vào cuộc tìm kiếm một bàn thắng gỡ hòa. Cuộc tìm kiếm đó kéo dài đến 68 phút đồng hồ. Phút 71, Uruguay bị phạt đền và dường như đây là tháng mà Uruguay có nhiều “duyên nợ” với những quả phạt đền (hoặc trong thời gian thi đấu chính thức hoặc trong loạt sút luân lưu). Herrera sút thắng phạt đền gỡ hòa cho Uruguay.
Thế nhưng, Uruguay đã vượt qua định mệnh ở 9 phút cuối trận. Cú lốp bóng đẹp tuyệt vời bằng chân trái của Sanchez (người từng đá hỏng 1 quả phạt đền ở loạt sút luân lưu với Brazil) vượt qua tầm với của thủ môn Henao quyết định số phận của trận đấu, giành hạng 3 Copa America 2004. Còn nhớ tại Copa America 2001, Colombia đoạt chức vô địch, còn Uruguay cũng bước vào trận tranh hạng 3 với vị khách mời Honduras (đánh bại Brazil ở tứ kết giải đó) và… thua sau loạt sút luân lưu định mệnh.
Uruguay, kẻ đang rất khốn đốn ở vòng loại World Cup 2006 khu vực Nam Mỹ đã mang đến Copa America 2004 một bộ mặt khác hẳn dưới sự dẫn dắt của huấn luyện viên tài năng Fossati. Ngoài trận thua Argentina 2-4 ở vòng đấu bảng, Uruguay không thua bất cứ đội nào kể cả Brazil trong thời gian thi đấu chính thức.
Họ đã mang đến Copa America 2004 một lối đá đầy quyết tâm, hừng hực ý chí thi đấu, chơi lăn xả, không ngại va chạm, đôi lúc khá cứng rắn dựa trên nền tảng là một hàng hậu vệ khá vững chắc. Hy vọng rằng sau những gì đã thể hiện ở Copa America 2004, đã đến lúc đoàn quân của ông Fossati tìm lại đường ray đúng để đi đến Đức 2 năm sau.
Với Colombia, kẻ chưa bao giờ được xem như là một thế lực tại Nam Mỹ hay trên đấu trường quốc tế (ngay cả khi sở hữu “thế hệ vàng” Higuita, Valderama, Asprilla, Valencia…). Khi chiến thắng vượt quá năng lực thật sự, tức chiếc cúp Copa America 2001, thì đã đến lúc Colombia trở về đúng chỗ đứng của mình. Đó là một vị trí không quá hào nhoáng, nhưng cũng không ở tận đáy bùn đen. Mỗi số phận khác nhau phải có một chỗ đứng khác nhau, không thể cứ thế này rồi thế khác …
TIỂU PHƯƠNG