Năm 2013 là năm đầu tiên TPHCM triển khai đưa các ngân hàng tham gia vào chương trình bình ổn thị trường để hỗ trợ vốn với lãi suất ưu đãi cho các doanh nghiệp (DN) chuẩn bị hàng hóa cung ứng cho chương trình. Tổng nguồn vốn cho vay của 5 ngân hàng (gồm Agribank - Chi nhánh Lý Thường Kiệt, Eximbank, Sacombank, BIDV - Chi nhánh Bến Thành, VietinBank - Chi nhánh 7) là 1.960 tỷ đồng, trong đó nguồn vay ngắn hạn 860 tỷ (dưới 12 tháng) lãi suất 6%/năm; nguồn vốn vay trung và dài hạn 1.100 tỷ đồng, lãi suất 10%/năm.
Sau 2 tháng triển khai chương trình bình ổn thị trường 2013, các sở ngành chức năng đã cấp hạn mức tín dụng ưu đãi, giải ngân theo nhu cầu DN là 299,461 tỷ đồng, trong đó số vốn đã giải ngân là 55,417 tỷ đồng. Các DN được xem xét cho vay ưu đãi là: có ngành nghề sản xuất thuộc các nhóm hàng là lương thực, thực phẩm, sữa và các mặt hàng phục vụ mùa khai giảng năm 2013 - 2014; có hệ thống nhà xưởng, kho bãi, trang thiết bị công nghệ sản xuất hiện đại đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng; có phương tiện vận chuyển hàng hóa cho việc phân phối và bán hàng lưu động; cam kết cung ứng hàng hóa đúng chủng loại, đủ số lượng, đảm bảo chất lượng và rõ nguồn gốc xuất xứ, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; có tối thiểu 12 điểm bán hàng… theo yêu cầu của chương trình bình ổn giá do Sở Công thương TPHCM quy định.
Ông Phan Huy Khang, Tổng Giám đốc Ngân hàng Sacombank cho biết, thời gian qua, Sacombank cũng đã rất tích cực tham gia chương trình bình ổn trên địa bàn TP. Là ngân hàng đi tiên phong trong chương trình kết nối này, trong 6 tháng cuối năm 2012, Sacombank đã thực hiện chính sách của Chính phủ và NHNN trong việc quyết liệt hạ lãi suất trong tiếp ứng vốn cho phục vụ đời sống cho các mặt hàng tiêu dùng, phục vụ đời sống. Ngoài ra, Sacombank cũng đã làm việc trực tiếp với các quận, huyện và các DN, hộ gia đình để đưa vốn ưu đãi đến đúng địa điểm.
Theo ông Khang, việc triển khai gói 200 tỷ đồng cho vay ưu đãi đối với các DN tham gia bình ổn thị trường lần này là một minh chứng cụ thể cho quyết tâm của Sacombank trong việc hỗ trợ các DN tiếp cận các nguồn vốn có giá thành hợp lý đáp ứng nhu cầu vốn cho sản xuất và kinh doanh.
Bên cạnh Sacombank, các hệ thống ngân hàng khác cũng đang phối hợp với các sở, ngành chức năng tiến hành thẩm định các dự án để giải ngân vốn theo đúng tiến độ. Về phía các DN cũng cho rằng, mặc dù TP không còn hỗ trợ vốn với lãi suất 0% như trước đây nhưng với cách làm mới, DN có thể vay được nguồn vốn ưu đãi với hạn mức cao hơn nhiều so với hạn mức của các sở, ngành phê duyệt. Đây là cơ sở để các DN có điều kiện chuẩn bị hàng hóa cung ứng để bình ổn thị trường. Và như vậy nguồn vốn ưu đãi cũng được đưa đến đúng địa chỉ.
HẠNH NHUNG