Những ngày cuối cùng của một năm bôn ba nơi đất Sài thành dần trôi. Những người con xa quê, cảm giác nao nao, khó ngủ chờ đến ngày về quê đón tết. Túi quà, tấm áo cho người thân đã sẵn sàng cho hành trang ngày trở về. Nhưng đến gần “giờ G”, mọi thứ đảo lộn, nhiều người yên tâm vì đã có vé tàu xe trong tay, giờ bỗng hoang mang, lo lắng trước nạn lừa bán vé xe giả ở Bình Dương và ngành đường sắt cương quyết siết chặt khâu kiểm soát tại ga Sài Gòn!
Từ nhiều năm nay, cứ đến hẹn lại lên, mua vé tàu xe về tết tại TPHCM luôn là nỗi khổ của những lao động xa quê. Ngành tàu xe cũng vất vả, đau đầu và cũng được chú ý, soi mói nhiều nhất vào dịp này. Từ rồng rắn xếp hàng, đến nhắn tin mua vé tàu... nhưng có rất nhiều người vẫn chưa được rờ đến vé tàu tết bán ra bằng con đường chính thống. Danh sách mua vé tàu tập thể của các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp gởi lên nhà ga cũng chỉ được đáp với số lượng phân bổ giới hạn, chủ yếu là vé đi trên những chuyến tàu địa phương, người may mắn lắm mua được vé tàu Thống Nhất, hiếm có vé tàu nhanh SE.
Muốn qua sông phải lụy đò... Đò đã đầy khách, cũng phải tìm cách để qua sông! Nhiều người không mua được vé bằng con đường chính thống, cũng bằng mọi cách để mua được tấm vé về quê. Những câu hỏi, sự hoài nghi vì sao có nhiều phe vé và vé chợ đen đầy rẫy và hoạt động rầm rộ bên ngoài nhà ga được đặt ra và tranh cãi nhiều. Ngành đường sắt cũng đã áp dụng nhiều biện pháp để đạt được mục tiêu minh bạch nhất, nhưng vẫn chưa có biện pháp nào triệt để. Và biện pháp đối chiếu, kiểm tra tên người mua và số chứng minh thư đang triển khai trong mấy ngày nay xem ra phần nào hữu hiệu. Nhưng thông tin này ngay lập tức gây xôn xao, lo lắng cho rất nhiều người “cầm vé sai tên”. Tất nhiên, việc tìm mua vé để được về quê là điều chính đáng, nhưng việc “cầm vé sai tên” lại rơi vào cảnh tình ngay lý gian!
Không phải bây giờ ngành đường sắt mới áp dụng việc mua vé phải cung cấp số chứng minh thư người mua, mà từ mấy năm nay đã có, nhưng hành khách chẳng thấy ai kiểm tra chi tiết này. Có lẽ do sự chủ quan này nên khi ngành đường sắt cương quyết siết chặt kiểm soát ngay từ cổng vào trong mùa tết này thì nhiều người mới tả hỏa. Tuy ngành đường sắt vẫn chừa “lối mở” cho những trường hợp “cầm vé sai tên” bằng cách cho đổi lại tên với điều kiện nộp 30% phí. Trong những ngày cận tết như thế này, chắc chắc sẽ hiếm có người nào không nộp phí để đổi lại tên. Người dân phải cắn răng chịu nộp thêm khoản phí theo quy định. Và thật nghẹn ngào, khi làm phép tính cộng dồn trên một tấm vé “sai tên”, người đi tàu phải trả khoản tiền rất lớn. Không kể chi phí 150.000 - 200.000 đồng bỏ ra để mua được một vé chợ đen, người đi phải chịu thêm khoản tiền “vượt ga” trên vé.
Trên thực tế, có mấy ai mua được vé về đúng ga mình cần. Do lượng vé về những ga này ít nên nhiều người muốn đi về những địa phương như ga Diêu Trì, Quảng Ngãi hay Tam Kỳ phải mua vé “vượt ga” đi Đà Nẵng, Huế thậm chí ra đến Đông Hà (Quảng Trị). Nếu phải nộp 30% chi phí đổi tên hợp pháp trên tấm vé “vượt ga” nữa thì quả là số tiền bị đội lên rất lớn. Ngành đường sắt nên tính toán lại để có mức phí đổi tên hợp lý.
Biện pháp này sẽ là đòn nhắc nhở để người dân cân nhắc khi có ý định mua vé chợ đen cho những mùa sau. Tuy nhiên, trong thời điểm nước đã đến chân như hiện nay thì việc kiểm soát này đã gây ra nhiều rắc rối và bức xúc cho người dân. Nếu như ngành đường sắt có giải pháp bán vé và kiểm soát tốt hơn thì người dân không phải rơi vào cảnh này.
Mỹ Hạnh