Sở Xây dựng Quảng Ngãi tự bác đề xuất sử dụng đá mi bụi thay thế cát trong xây dựng

Ngày 9-5, Sở Xây dựng tỉnh Quảng Ngãi vừa có văn bản về rà soát, tham chiếu các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật sử dụng đá mi bụi trong công trình xây dựng, giải quyết khan hiếm cát hiện nay.

Theo đó, giữa tháng 4-2023, Sở Xây dựng Quảng Ngãi đã có đề xuất sử dụng đá mi bụi cho công tác xử lý nền móng các công trình xây dựng và các vấn đề liên quan khác nhằm kịp thời giải quyết tình trạng khan hiếm cát làm vật liệu xây dựng hiện nay.

Sở Xây dựng Quảng Ngãi đề xuất sử dụng đá mi bụi để giải quyết khan hiếm cát xây dựng

Sở Xây dựng Quảng Ngãi đề xuất sử dụng đá mi bụi để giải quyết khan hiếm cát xây dựng

Trước ý tưởng này, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi có ý kiến giao Sở TN-MT khẩn trương nghiên cứu, đề xuất, giải pháp xử lý vấn đề khan hiếm cát làm vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh theo báo cáo của Sở Xây dựng Quảng Ngãi. Đồng thời, giao Sở Xây dựng Quảng Ngãi chủ trì, phối hợp với các chủ đầu tư, UBND các huyện, thị xã, thành phố, các đơn vị liên quan khẩn trương tham chiếu các quy định pháp luật để hướng dẫn cụ thể việc sử dụng đá mi bụi.

Thế nhưng đến ngày 8-5, Sở Xây dựng Quảng Ngãi có văn bản tự bác đề xuất sử dụng đá mi bụi và nhận thấy sử dụng đá mi bụi để san lấp mặt bằng ở thời điểm hiện nay là chưa cần thiết.

Đá mi bụi hiện được sử dụng rộng rãi nhiều nơi như vật liệu trong sản phẩm bê tông nhựa, cấp phối đá dăm, rải nền đường...

Đá mi bụi hiện được sử dụng rộng rãi nhiều nơi như vật liệu trong sản phẩm bê tông nhựa, cấp phối đá dăm, rải nền đường...

Theo Sở Xây dựng Quảng Ngãi, đá mi bụi (có nơi gọi là đá bụi hay đá mạt) là sản phẩm được tạo ra trong quá trình chế biến đá xây dựng, kích thước nhỏ dưới 5mm, hỗn hợp rời, hạt rắn chắc. Đá mi bụi được sử dụng rộng rãi ở nhiều nơi trong các lĩnh vực khác nhau, phổ biến như: là vật liệu trong sản phẩm bê tông nhựa; là thành phần trong hỗn hợp cấp phối đá dăm; rải nền đường và san lấp mặt bằng dân sinh; nhiều nhất là làm nguyên liệu sản xuất gạch không nung…

Sau khi rà soát, tham chiếu các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật có liên quan, thì loại sản phẩm này có thể sử dụng để san lấp mặt bằng. Tuy nhiên, qua làm việc với các doanh nghiệp khai thác, chế biến đá trên địa bàn tỉnh thì giá đá mi bụi tại mỏ khoảng 100.000 đồng/m³, hơn nữa, lượng sản phẩm này không nhiều, chỉ đáp ứng cho nhu cầu làm nguyên liệu sản xuất gạch không nung, gạch lát vỉa hè, làm thành phần cốt liệu trong bê tông nhựa, cấp phối đá dăm…

Từ lý do trên, Sở Xây dựng Quảng Ngãi nhận thấy việc sử dụng đá mi bụi để san lấp mặt bằng ở thời điểm hiện nay là chưa cần thiết. Hơn nữa, ưu tiên sản phẩm này để làm nguyên liệu sản xuất gạch không nung đáp ứng Chương trình phát triển vật liệu xây không nung đến năm 2030, tránh trường hợp khan hiếm vật liệu này trong các năm tiếp theo.

Tin cùng chuyên mục