Sóc Trăng: Nỗ lực cứu hàng ngàn héc-ta lúa có nguy cơ chết khô do sản xuất "cực đoan"

Tỉnh Sóc Trăng ghi nhận, từ đầu mùa khô 2024 đến nay, thiệt hại khoảng 1.000ha trong tổng số hơn 6.000ha lúa Đông Xuân muộn (vụ 3) do thiếu nước kết hợp ngộ độc phèn tại huyện Long Phú. Ngoài ra, gần 40.000ha lúa Đông Xuân muộn ở các huyện thị khác trong tỉnh cũng đang đứng trước nguy cơ chết khô.

20240325_081703.jpg
Ông Trần Văn Lâu, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng (bìa trái) thăm vườn cây ăn trái trên địa bàn huyện Kế Sách

Báo SGGP số ra ngày 25-3 bắt đầu đăng loạt bài "Chậm thích ứng với biến đổi khí hậu: Hậu quả nặng nề", trong đó có nội dung phản ánh nhiều nơi ở Sóc Trăng, người dân sản xuất “cực đoan”, không theo kế hoạch ứng phó hạn mặn của ngành nông nghiệp, khiến lúa bị chết khô, thiệt hại nặng… Ngay sau khi báo đăng, trong ngày 25-3, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Lâu cùng đoàn công tác của tỉnh đã đi thực tế, kiểm tra việc triển khai các giải pháp ứng phó hạn hán, xâm nhập mặn trên địa bàn.

Theo đó, đoàn đã đến kiểm tra tình hình sản xuất lúa, trồng cây ăn trái; công tác xây dựng, vận hành các cống thủy lợi trên địa bàn các huyện Kế Sách, Long Phú và Trần Đề. Báo cáo với đoàn, Sở NN-PTNT tỉnh Sóc Trăng cho biết, xâm nhập mặn mùa khô năm 2023 – 2024 ở mức cao hơn cùng kỳ mùa khô 2022-2023, có khả năng nghiêm trọng như mùa khô năm 2015-2016. Từ trước Tết Nguyên đán, mặn đã xâm nhập sâu vào nội đồng dọc tuyến sông Hậu, hiện tiếp tục lấn sâu. Trong tháng 3, độ mặn ghi nhận được ở Đại Ngãi, Nhơn Mỹ (cách cửa sông Hậu hơn 50km) là trên 8g/lít, ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt của người dân.

20240325_100228.jpg
Anh Võ Thành Đổm, nông dân tại huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng cho biết mặn đang gây thiệt hại cho ruộng lúa 70 ngày tuổi của mình

Cụ thể, tỉnh Sóc Trăng đã ghi nhận thiệt hại khoảng 1.000ha trong tổng số hơn 6.000ha lúa Đông Xuân muộn (vụ 3) do thiếu nước kết hợp ngộ độc phèn tại huyện Long Phú. Ngoài ra, gần 40.000ha lúa Đông Xuân muộn ở các huyện thị khác trong tỉnh cũng đang đứng trước nguy cơ chết khô, do thiếu nước trầm trọng.

Trước tình hình trên, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Lâu yêu cầu ngành nông nghiệp chỉ đạo các các đơn vị liên quan nỗ lực vận hành, điều tiết hợp lý hệ thống cống, tranh thủ lấy nước ngọt để cứu các diện tích lúa đang có nguy cơ hư hại. Đồng thời tập trung thi công các công trình thủy lợi mới, sửa chữa các cống với tiến độ nhanh nhất, để đảm bảo nguồn nước ngọt phục vụ sản xuất và sinh hoạt cho người dân.

Trước những thiệt hại ban đầu do hạn mặn gây ra trong mùa khô 2024 (nhiều diện tích lúa bị chết khô), ông Huỳnh Ngọc Nhã, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Sóc Trăng cho biết sẽ làm việc lại với các địa phương, đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động người dân sản xuất theo quy hoạch, theo khuyến cáo. "Việc hàng ngàn ha lúa bị hư hại do thiếu nước phần nào cho thấy công tác vận động người dân sản xuất thích ứng với biến đổi khí hậu thời gian qua chưa phát huy hiệu quả", ông Nhã nói.

Gặp gỡ lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng, anh Võ Thành Đổm (nông dân tại thị trấn Long Phú, huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng) chia sẻ: "Ruộng lúa của tôi được hơn 70 ngày tuổi, đang trổ bông thì mặn bắt đầu tấn công. Hiện rễ, thân và lá lúa bắt đầu bị đỏ. Mỗi công lúa tôi đầu tư khoảng 1,8 triệu đồng".

20240325_100048.jpg
Đoàn kiểm tra công tác ứng phó hạn mặn tại cánh đồng lúa huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng

Đoàn công tác của tỉnh Sóc Trăng cũng đến kiểm tra Cống âu thuyền Rạch Mọp (thuộc Dự án công trình kiểm soát nguồn nước bờ Nam Sông Hậu) - công trình cống thủy lợi lớn nhất trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng (vốn đầu tư hơn 500 tỷ đồng). Tại đây, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Lâu yêu cầu chính quyền địa phương nhanh chóng bàn giao mặt bằng, chủ đầu tư và nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công để công trình đi vào hoạt động trong năm 2024.

Theo ông Kiều Văn Công, Phó Giám đốc Ban Quản lý đầu tư và xây dựng thủy lợi 10, công tác giải phóng mặt bằng chậm nên tiến độ thi công dự án Cống âu thuyền Rạch Mọp hiện trễ 7 tháng so với kế hoạch. Mặc dù các nhà thầu đang tích cực thi công ngày đêm, tuy nhiên hiện vẫn chưa thể lắp đặt cửa van cống để ngăn mặn kịp thời trong mùa khô 2023-2024.

20240325_084409.jpg
Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Lâu kiểm tra tại công trường Cống âu thuyền Rạch Mọp

Tin cùng chuyên mục