Sóc Trăng phát triển sản phẩm OCOP

Cửa hàng trưng bày và cung ứng sản phẩm đặc trưng thuộc chương trình “Mỗi xã một sản phẩm (OCOP)” tại một số huyện, thị xã trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng sẽ được đẩy mạnh triển khai trong năm 2019 nhằm quảng bá đến người dân địa phương và khách trong, ngoài tỉnh…
Phát triển sản phẩm địa phương góp phần tăng trưởng kinh tế
Phát triển sản phẩm địa phương góp phần tăng trưởng kinh tế

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tỉnh Sóc Trăng, OCOP là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội sinh và gia tăng giá trị. Trọng tâm của OCOP là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương (xã, phường, thị trấn) của tỉnh theo chuỗi giá trị, do các tổ chức kinh tế tập thể và kinh tế tư nhân thực hiện.

Nhà nước đóng vai trò kiến tạo, ban hành khung pháp lý và chính sách để thực hiện, hỗ trợ các khâu đào tạo, tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, ứng dụng khoa học - công nghệ, xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, định hướng quy hoạch các vùng sản xuất hàng hóa, dịch vụ.

Chủ thể của chương trình này (tạo ra sản phẩm OCOP) là cộng đồng, người dân địa phương. Chủ thể tham gia chương trình tự hoàn thiện, đổi mới, phát triển sản phẩm dưới sự hỗ trợ của nhà nước, nhằm làm tăng giá trị gia tăng của sản phẩm, cải thiện sinh kế của người dân và cộng đồng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội khu vực nông nghiệp, nông thôn, công nghiệp hóa nông thôn.

Theo mục tiêu chương trình OCOP, tỉnh Sóc Trăng đã khai trương cửa hàng sản phẩm nông nghiệp đặc trưng đặt tại chùa Chén Kiểu, xã Đại Tâm, huyện Mỹ Xuyên. Ngoài các sản phẩm nông nghiệp an toàn, nhiều sản phẩm trong chương trình OCOP cũng được bán tại cửa hàng.

Để quảng bá các sản phẩm OCOP, ngành nông nghiệp tỉnh này sẽ triển khai mở thêm cửa hàng trưng bày các sản phẩm của địa phương và sản phẩm OCOP để tạo thành chuỗi cung ứng hàng liên hoàn, từ cửa hàng của tỉnh đến huyện. Hiện tại, một số địa phương đã triển khai xây dựng cửa hàng tại địa điểm phù hợp nhằm đưa sản phẩm OCOP vào gian hàng, quảng bá đến người dân địa phương và khách trong, ngoài tỉnh… 

Với việc xây dựng kế hoạch cụ thể, các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của tỉnh Sóc Trăng như lúa gạo, thủy sản, nông nghiệp chế biến, thực phẩm chế biến… sẽ được sản xuất theo quy trình nghiêm ngặt, đảm bảo an toàn thực phẩm và được phân phối không chỉ ở tỉnh này mà còn tiến tới phân phối ở những kênh bán lẻ ngoài tỉnh như TPHCM và khu vực phía Bắc. 

Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” được khởi xướng đầu tiên tại tỉnh Quảng Ninh từ năm 2013, đến nay chương trình đã gặt hái được một số thành công ban đầu. Từ thành công của mô hình này, các địa phương khác trong cả nước đã học hỏi kinh nghiệm trong việc phát huy thế mạnh của sản phẩm truyền thống đặc trưng của địa phương trên cơ sở chuyển đổi các nhóm hộ kinh doanh, cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, tự phát sang hình thức liên kết tập thể, sản xuất tập trung vào sản phẩm có lợi thế của địa phương. Từ đó, tạo ra được nhiều sản phẩm thương hiệu, đáp ứng yêu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, góp phần vào sự phát triển kinh tế và xây dựng nông thôn mới bền vững.

Tin cùng chuyên mục