So với tết dương lịch năm ngoái, tết cổ truyền năm nay đến sớm hơn một tháng. Do vậy, nhiều tiểu thương, các doanh nghiệp… trên địa bàn TPHCM đang tranh thủ chuẩn bị đủ lượng hàng cung ứng cho người tiêu dùng.
Chợ đầu mối: Náo nhiệt suốt đêm
Còn hơn nửa tháng đến Tết Nhâm Thìn, các hoạt động chuẩn bị hàng phục vụ tết đang nhộn nhịp hơn lúc nào hết. Các chợ đầu mối nhộn nhịp suốt đêm. “Từ 22 giờ trở đi, khi mọi người bắt đầu chìm vào giấc ngủ thì những tiểu thương chúng tôi bắt đầu ra chợ buôn bán” - bà Ngô Thị Hiệp, chuyên bán rau củ quả tại chợ đầu mối nông sản thực phẩm Tân Xuân (Hóc Môn), cho biết.
Vừa thoăn thoắt lựa rau củ cho khách, chị Anh Phương, tiểu thương tại chợ Tân Xuân, vừa liên tục gọi điện thoại để trả lời về giá cả, số lượng, thời điểm nhận hàng… Khách hàng thường xuyên của chị là tiểu thương tại các chợ truyền thống trên địa bàn TPHCM. Thỉnh thoảng cũng có một số thương lái từ tỉnh Long An, Bình Dương tới đặt hàng. Do vậy, quãng thời gian từ 24 giờ đêm tới 4 giờ sáng là vất vả nhất. “Ban ngày, người ta đi làm thì mình ngủ. Đặt lưng xuống là ngủ liền. Sét đánh ngang tai có khi cũng không biết” - chị Hai, một tiểu thương tại chợ đầu mối nông sản thực phẩm Thủ Đức, tâm sự.
Các tiểu thương cho biết, hiện lượng hàng về chợ khá ổn định, chưa có dấu hiệu tăng đột biến. Chẳng hạn, tại chợ đầu mối đầu mối nông sản thực phẩm Bình Điền, lượng hàng thủy hải sản tươi về chợ bình quân khoảng 821 tấn/ngày đêm; ngành thủy hải sản khô khoảng 5 tấn/ngày đêm; ngành rau củ quả khoảng 1.000 tấn/ngày đêm.
Đối với chợ đầu mối nông sản thực phẩm Thủ Đức, lượng hàng rau củ quả về chợ vài ngày nay tăng nhẹ, từ 50-100 tấn/ngày đêm, tùy loại. Giá các mặt hàng cũng khá ổn định: cà chua Đà Lạt 5.000 đồng/kg, rau muống 10.000 đồng/kg, cải rổ (Tiền Giang) 12.000 đồng/kg… Được biết, trong thời gian qua, do rơi vào kỳ nghỉ Tết Dương lịch nên một số mặt hàng thủy hải sản tăng giá từ 5.000-15.000 đồng/kg. Đối với các mặt hàng như củ kiệu, hành đỏ… giá vẫn không tăng đột biến so với cùng kỳ năm trước, mặc dù số lượng khách đặt hàng có tăng.
Theo bà Nguyễn Thanh Hà, Phó Giám đốc chợ đầu mối đầu mối nông sản thực phẩm Thủ Đức, thời tiết thuận lợi khiến lượng hàng về chợ nhiều hơn thường ngày, nhưng số lượng không đáng kể.
Thông thường, cách Tết Nguyên đán khoảng 7-10 ngày, các chợ mới thực sự bắt đầu sôi động. Hầu hết, các mặt hàng đều được đưa về từ Đà Lạt và một số tỉnh miền Tây. “Số lượng rau củ… xuất xứ từ Trung Quốc chiếm khoảng 9%-10% tổng lượng rau củ quả tại chợ. Đây là nhu cầu có thực của người dân nên các mặt hàng này vẫn còn tồn tại” - ông Tô Văn Liêm, Giám đốc chợ đầu mối nông sản thực phẩm Tân Xuân (Hóc Môn) nói.
Thông tin từ Sở Công thương TPHCM, trong dịp tết này, nguồn cung từ 3 chợ đầu mối nông sản thực phẩm (Hóc Môn, Thủ Đức, Bình Điền) chiếm 40%-50% thị phần. Theo đó, vào thời điểm Tết Nhâm Thìn, lượng hàng hóa về chợ sẽ tăng thêm 80%-100% so với ngày thường. Trong số này, các mặt hàng tăng mạnh nhất là rau củ quả, thịt gia súc, gia cầm và trái cây.
Nhiều đơn hàng xuất khẩu
Hiện tại, hàng trăm công nhân Công ty TMSX Hải Minh (huyện Củ Chi, TPHCM) đang khẩn trương tăng công suất đáp ứng những đơn đặt hàng từ nước ngoài. Đó là thị trường Trung Quốc, Lào, thậm chí cả những thị trường khó tính như Mỹ, Úc, New Zealand… Trong số này, thị trường tiêu thụ hàng lớn nhất của Công ty Hải Minh vẫn là bang Califonia (Mỹ), nơi có đông đảo kiều bào người Việt Nam sinh sống.
Theo ông Quách Hưng Tòng, Tổng Giám đốc Công ty Hải Minh, hiện công ty sản xuất được trên 800 mặt hàng đặc sản Việt Nam. Các thương hiệu như “Cô gái Việt Nam”, “Quê hương”... Được biết, những năm trước mỗi tháng Công ty Hải Minh xuất khẩu trên 10 container các loại đặc sản Việt Nam (bánh chưng, bánh tét, mứt…).
Dự tính năm 2012 này, công ty vẫn tiếp tục đáp ứng đủ lượng hàng khách yêu cầu và tăng khoảng 15% so với cùng kỳ năm 2011. “Chúng tôi muốn đem hương vị Việt tới với những kiều bào xa Tổ quốc, để họ cũng được tận hưởng không khí tết như tại quê nhà” - ông Quách Hưng Tòng chia sẻ.
Tương tự, cơ sở bánh chưng Trần Gia (Biên Hòa, Đồng Nai) cũng vừa xuất khẩu sang thị trường các nước châu Âu 20 tấn bánh chưng, bánh giầy, bánh gai… Được biết, dịp tết năm qua, cơ sở bánh chưng Trần Gia đã xuất khẩu sang châu Âu và Mỹ gần 30 tấn bánh chưng cùng 4 tấn lá dong cho bà con tự gói bánh đón xuân. Bên cạnh đó, hàng ngày cơ sở cũng cung cấp khoảng 1 tấn bánh cho các siêu thị như Co.opMart, BigC… để phục vụ thị trường trong nước.
Theo ông Trần Thanh Toàn, chủ cơ sở bánh chưng Trần Gia, bánh được bảo quản bằng phương pháp hút chân không nên có thể lưu giữ trong thời gian nửa năm. “Chúng tôi mong muốn những kiều bào xa quê đều được thưởng thức trọn vẹn hương vị tết cổ truyền của dân tộc. Chúng tôi cũng dự định mở rộng thương hiệu bánh chưng nước ta tới các nước trên thế giới” - ông Trần Thanh Toàn nói.
Những ngày chuẩn bị đón tết đang nhộn nhịp, khẩn trương trên khắp các chợ đầu mối ở thành phố. Với sự chuẩn bị chu đáo, hy vọng người dân có điều kiện mua sắm hàng tết đầy đủ, lo cho một cái tết ấm áp đang đến gần…
Ổn định giá bán 3.000 mặt hàng Thông tin từ một số siêu thị, doanh nghiệp… trên địa bàn TPHCM cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, lượng hàng hóa phục vụ tết tăng khoảng 3 lần. Tuy vậy, giá bán vẫn được các doanh nghiệp duy trì ổn định. Cụ thể, Tập đoàn CP hiện cung ứng cho TPHCM khoảng 800-1.000 con heo thịt, 300 tấn xúc xích, 4 triệu quả trứng/tháng; dịp tết, CP sẽ tăng số lượng hàng nói trên từ 20%-30% với giá bán ổn định. Tương tự, hệ thống siêu thị BigC tăng lượng hàng tết khoảng 25%-30% so với cùng kỳ; thực hiện khuyến mãi giảm giá 50% trên 3.000 mặt hàng đến hết ngày 22-1 (29 Tết Âm lịch). Hiện tại, hệ thống siêu thị Maximart cũng tăng lượng hàng tết gấp 3 lần ngày thường. Đối với các hệ thống chợ đầu mối trên địa bàn TPHCM, lượng hàng phục vụ Tết Nhâm Thìn cũng tăng khoảng 80%-100% so với ngày thường. Bên cạnh đó, Sở Công thương TPHCM cũng mở rộng chương trình bán hàng bình ổn tết đến các khu công nghiệp, khu chế xuất… Ái Vân |
THI HỒNG