Sớm giao vốn, gỡ thế kẹt cho ngành đường sắt

Dư luận bất ngờ trước thông tin ngành đường sắt có nguy cơ phải dừng chạy tàu nếu không kịp thời được giao vốn bảo trì để duy trì hoạt động.

Vì sao sau rất nhiều nỗ lực của các cơ quan quản lý lẫn doanh nghiệp, ngành đường sắt lại có chiều hướng đi vào bế tắc như vậy? Báo SGGP đã trao đổi với ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (ĐSVN) xung quanh vấn đề này.

Ông Vũ Anh Minh

- PHÓNG VIÊN: Ông cho biết rõ hơn nguyên nhân nào dẫn đến những khó khăn của ngành đường sắt đến mức có nguy cơ phải dừng chạy tàu?

* Ông VŨ ANH MINH: Vào tháng 11-2018, Tổng công ty ĐSVN được chuyển giao quyền đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp từ Bộ GTVT về Ủy ban Quản lý vốn nhà nước (QLVNN) tại doanh nghiệp. Do không còn là đơn vị trực thuộc Bộ GTVT nên việc giao vốn bảo trì cho Tổng công ty ĐSVN không còn phù hợp với Khoản 1 Điều 49 Luật Ngân sách nhà nước (quy định phải giao dự toán chi ngân sách nhà nước cho đơn vị trực thuộc Bộ GTVT). 

Về nội dung này, Nghị quyết 87/2019/QH14 về phân bổ ngân sách trung ương năm 2020 của Quốc hội có nêu “tiếp tục cơ chế giao vốn dự toán ngân sách nhà nước thực hiện nhiệm vụ bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia cho Bộ GTVT”. Trên cơ sở đó, Bộ GTVT đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ đề xuất để Bộ GTVT giao dự toán ngân sách cho Tổng công ty ĐSVN; đồng thời, bộ đã giao Cục ĐSVN nghiên cứu phương án đặt hàng trực tiếp cho các công ty hạ tầng. Tuy nhiên, Cục ĐSVN không đủ nhân sự để tổ chức quản lý, triển khai, thực hiện dự toán và quản lý chất lượng công trình. Đồng thời, hiện cũng không có quy định pháp luật nào phù hợp để Cục ĐSVN ký hơp đồng đặt hàng với Tổng công ty ĐSVN, do Tổng công ty ĐSVN chỉ có chức năng tổ chức, quản lý tài sản và quản lý công tác bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt. Nếu làm như vậy sẽ xung đột với Luật Đường sắt và Luật Quản lý tài sản công.

Chính sự chưa đồng bộ của các quy định pháp luật liên quan dẫn đến việc Tổng công ty ĐSVN không được giao vốn bảo trì để hoạt động như thường lệ.

- Nếu không được giao vốn bảo trì kịp thời, những vấn đề gì sẽ xảy ra với ngành đường sắt, thưa ông?

Từ khi thành lập đến nay, Bộ GTVT đã giao dự toán ngân sách hàng năm cho Tổng công ty ĐSVN đặt hàng 20 công ty cổ phần để thực hiện sản phẩm công ích, đảm bảo cho tàu chạy thông suốt. Trung bình 1 tháng, công việc này cần trên 200 tỷ đồng, trong khi vốn của các doanh nghiệp chỉ khoảng 10-20 tỷ đồng, nằm chủ yếu ở vốn tài sản. Hiện nay, 20 công ty vẫn đang thực hiện công tác bảo trì, tuần gác đảm bảo an toàn, nhưng vì không được cấp kinh phí, các đơn vị này không có tiền để mua vật tư, chi trả lương công nhân. Từ đầu năm đến nay, hơn 11.000 lao động ở các công ty bảo trì đã không có lương. Tình trạng này không thể kéo dài. Đến hết quý 1 mà không được giao vốn, chúng tôi buộc phải phải báo cáo Chính phủ dừng chạy tàu vì không đảm bảo an toàn. Đó là chưa kể gói ngân sách 7.000 tỷ đồng mà Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao ngành đường sắt thực hiện cải tạo, nâng cấp hạ tầng đến nay vẫn nằm ở Bộ GTVT, trong khi mục tiêu đến 30-6-2021 phải hoàn thành.

- Vấn đề này cần được giải quyết thế nào?

Trước mắt, Tổng công ty ĐSVN kiến nghị Chính phủ giao dự toán chi ngân sách nhà nước năm 2020 kịp thời để Tổng công ty ĐSVN tổ chức thực hiện quản lý, bảo trì liên tục kết cấu hạ tầng, đảm bảo điều hành đường sắt thông suốt, an toàn. Bộ GTVT, Bộ Tài chính sẽ thực hiện chức năng quyết toán, giám sát, kiểm tra việc sử dụng nguồn vốn đảm bảo đúng các quy định của pháp luật hiện hành. 

Về lâu dài, theo tôi, phương án chuyển Tổng công ty ĐSVN về Bộ GTVT thuận lợi hơn, vì chỉ phải sửa danh mục trong Nghị định 131/2018/NĐ-CP của Chính phủ (quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ủy ban QLVNN tại doanh nghiệp). Trong khi đó, nếu Tổng công ty ĐSVN trực thuộc Ủy ban QLVNN tại doanh nghiệp thì phải chỉnh sửa hàng loạt các hệ thống văn bản pháp luật đã được ban hành, trong đó bao gồm việc chuyển giao kết cấu hạ tầng. Dù chọn phương án nào chúng tôi cũng mong các cơ quan quản lý nhà nước thực hiện khẩn trương để doanh nghiệp sớm ổn định hoạt động.

- Cùng với những vướng mắc do thay đổi cơ quan chủ quản, ngành đường sắt còn đang bộn bề khó khăn, rất khó để cạnh tranh với các loại hình vận tải khác. Theo ông, ngành ĐSVN cần thêm các giải pháp nào?

Thủ tướng Chính phủ vừa yêu cầu đánh giá toàn diện đề xuất chuyển Tổng công ty ĐSVN từ Ủy ban QLVNN tại doanh nghiệp về lại Bộ GTVT quản lý để nâng cao hiệu quả hoạt động và vận hành của tổng công ty. Tôi cho rằng, việc đánh giá nghiêm túc vấn đề này sẽ giúp các cơ quan quản lý có giải pháp phù hợp, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động không chỉ trong hiện tại mà cả lâu dài. 

Dù còn đang rất khó khăn, nhưng ngành đường sắt vẫn có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong nền kinh tế quốc gia, cần được quan tâm đúng mức để phát triển bền vững. Trong đó, vấn đề quan trọng nhất là cần được đầu tư thích đáng và có cơ chế phù hợp như các phương thức vận tải khác để có được hệ thống đường sắt hiện đại theo chuẩn quốc tế, có thể kết nối với hệ thống đường sắt quốc tế. Muốn như vậy, phải thúc đẩy tiến độ dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam. Dự kiến, Bộ GTVT sẽ hoàn chỉnh tờ trình của Ban cán sự Đảng Chính phủ trình Bộ Chính trị về chủ trương xây dựng đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước 1-5. Với một hạ tầng lạc hậu cả trăm năm như hiện nay, rất khó để thực hiện được vai trò chủ đạo của đường sắt đối với nền kinh tế như mục tiêu đã đề ra.

Tin cùng chuyên mục