Sau khi đăng bài viết “Nên bỏ kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông”, Báo SGGP tiếp tục nhận được nhiều ý kiến của các chuyên gia, nhà quản lý giáo dục về vấn đề này. Bên cạnh nhiều ý kiến đồng thuận, có một số ý kiến tỏ ra băn khoăn và kiến nghị Bộ GD-ĐT phải sớm có giải pháp đột phá đổi mới căn bản nền giáo dục, trong đó có quy chuẩn đánh giá chất lượng đào tạo một cách bài bản, khoa học, chính xác.
TS NGUYỄN KIM DUNG, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu giáo dục (ĐH Sư phạm TPHCM): Nên có đơn vị khảo thí độc lập
Theo quan điểm của tôi, không phải bỏ hết kỳ thi quốc gia, nhưng có thể kết hợp hai kỳ thi thành một, trong đó vừa đảm bảo việc thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) và lấy kết quả này để tuyển sinh vào đại học, cao đẳng. Về nguyên tắc, học sinh lớp 12 nên có kỳ thi học kỳ và được tính là đã tốt nghiệp THPT. Việc chỉ tổ chức một kỳ thi đánh giá kết quả học tập của học sinh suốt 12 năm học sẽ đỡ tốn kém cho xã hội, gia đình và không tạo áp lực cho học sinh. Tuy nhiên, kỳ thi này phải đảm bảo tính chính xác, khoa học, đánh giá đúng thực chất đào tạo, năng lực, trình độ của học sinh để các trường đại học, cao đẳng có cơ sở xét tuyển. Để có được kết quả đánh giá đúng chất lượng đào tạo ở phổ thông, cần có đơn vị độc lập thực hiện việc khảo thí, kiểm định một cách độc lập như nhiều nước có nền giáo dục tiên tiến đã làm.
Tuy nhiên, trước mắt, chúng ta không thể áp dụng ngay cách làm tiên tiến, khoa học của các nước mà đơn vị này có thể trực thuộc Bộ GD-ĐT và dần dần có lộ trình tiến tới vai trò độc lập, khách quan. Việc có một đơn vị chuyên về công tác khảo thí độc lập sẽ đánh giá thực chất đào tạo của từng trường, năng lực, trình độ học vấn của từng học sinh, qua đó phân loại học sinh tốt nghiệp một cách chính xác. Đối với học sinh tốt nghiệp đạt trình độ tối thiểu, được xác nhận cấp bằng tốt nghiệp và những học sinh đạt điểm cao, học lực tốt là điều kiện được xét tuyển vào đại học, cao đẳng. Theo kinh nghiệm của các nước có nền giáo dục tiên tiến, chúng ta cũng nên tổ chức một năm nhiều kỳ thi tuyển sinh để học sinh chọn lựa, không bị áp lực thi cử đè nặng.
Bà PHẠM THỊ LỆ NHÂN, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, TPHCM: Xây dựng nền tảng và khung chuẩn đánh giá học lực học sinh
Việc đánh giá chất lượng đào tạo hiện nay rất khó vì mỗi trường có đặc thù, đặc điểm riêng và đầu vào lớp 10 cũng khác nhau. Cho nên, đánh giá học sinh theo thang điểm nào, chuẩn nào là chính xác? Hiện tại, ngành GD-ĐT chưa xây dựng được khung chuẩn để đánh giá học sinh nên khó đánh giá học lực của học sinh và chất lượng đào tạo của từng trường. Việc đánh giá “sản phẩm” giáo dục là cả một quy trình, dựa trên nền tảng, tiêu chí đặt ra từ các bậc học chứ không phải căn cứ vào một kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Cụ thể, ở cấp tiểu học là dựa vào kiến thức; THCS là nhận thức và lên THPT là kỹ năng thực hành… Một khi chưa xây dựng được khung đánh giá hay quy chuẩn đánh giá chất lượng đào tạo thì việc đánh giá sẽ vô chừng, khó thuyết phục. Đó là những băn khoăn của những người làm công tác giáo dục hiện nay. Để tạo nền tảng nâng cao chất lượng giáo dục như đòi hỏi của xã hội, phải có lộ trình thay đổi cách học, cách dạy, cách đánh giá mang tính bền vững, ổn định. Không nên tạo tâm lý hoang mang, phập phồng trước thông tin bỏ hay chưa thể bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT hiện nay.
Ông TRẦN HUY THẢO, Hiệu trưởng Trường quốc tế Việt - Úc: Tổ chức một kỳ thi nhưng đảm bảo nghiêm túc thực chất
Đúng như nhận định của Bộ GD-ĐT là nhiều nước trên thế giới vẫn đang duy trì kỳ thi tốt nghiệp THPT nhưng khác biệt ở chỗ, họ có chuẩn riêng đánh giá khoa học, chính xác về năng lực, trình độ của học sinh. Ở Trường quốc tế Việt - Úc, trường công lập đầu tiên ở TPHCM kết hợp với Hội đồng học thuật bang Tây Úc (SCSA) và chịu sự quản lý giảng dạy các chương trình đào tạo của họ cũng như sự điều hành của Bộ Giáo dục bang Tây Úc, vào cuối năm lớp 12, học sinh sẽ tham dự kỳ thi tốt nghiệp để lấy bằng WACE 9 (tú tài Úc). Bằng này được công nhận quốc tế và được chấp nhận bởi hầu hết các trường ĐH của Úc cũng như Mỹ, Canada, New Zealand, Vương quốc Anh, các nước châu Âu và châu Á.
Như vậy, Úc vẫn tổ chức thi tú tài nhưng chuẩn đánh giá năng lực học tập của học sinh ở bậc THPT được chia làm hai phần. Trong đó, thi tú tài 5 môn (gồm 2 môn bắt buộc, 3 môn tự chọn) chỉ chiếm 50%, còn lại 50% dựa vào kết quả học tập trong 2 năm lớp 11 và 12. Ngoài công nhận tốt nghiệp THPT, Úc còn có yêu cầu về điểm ATAR - tiêu chí xét tuyển sinh viên vào ĐH. Đây chính là cách làm “2 trong 1” mà dư luận xã hội đang mong đợi.
Như vậy, chúng ta cũng cần xem xét để bỏ bớt một kỳ thi quốc gia gần nhau mà vẫn có thể có kết quả chung để xét tuyển ĐH. So sánh với các quốc gia có nền giáo dục tiên tiến, trong đó có Úc, thì họ tổ chức kỳ thi nhẹ nhàng, gọn nhẹ và cho ra kết quả chính xác. Còn ở ta, nặng nề, tốn kém, chưa đánh giá đúng thực chất đào tạo, học lực của học sinh. Theo tôi, trước mắt Bộ GD-ĐT vẫn duy trì kỳ thi quốc gia nhưng giao thực quyền cho trường tổ chức và sở GD-ĐT các địa phương kiểm tra, kiểm soát nghiêm túc, đúng thực chất.
TS HUỲNH CÔNG MINH, nguyên Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM: Cần có lộ trình đánh giá chất lượng giáo dục
Thi cử là để chọn lựa, phục vụ yêu cầu tuyển sinh nhưng ở nước ta thi cử còn có chức năng đánh giá công nhận quá trình học tập. Như vậy, thi cử để đánh giá là khâu quan trọng không thể bỏ được và hơn nữa nó còn là động lực trong quá trình dạy và học. Vấn đề đặt ra là tổ chức thi cử như thế nào cho khoa học, thuyết phục. Trên thực tế, việc thi cử ở nước ta còn nặng nề, hiệu quả chưa cao, cần tích cực cải tổ và trong tương lai nó phải nằm trong quá trình cải tổ cơ bản nền giáo dục quốc dân. Với quy mô giáo dục đang phát triển, công nghệ thông tin là công cụ hiện đại hóa nhà trường, nên chúng ta cần có lộ trình phù hợp để củng cố, xây dựng hệ thống đánh giá tích cực từ cơ sở cũng như trong quá trình dạy và học thay thế cho hình thức thi cử nặng nề, thiếu thuyết phục như hiện nay.
KHÁNH BÌNH
- Thông tin liên quan:
>> Nên bỏ kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông