Những đứa trẻ bất ngờ bị cúm trong giờ học sẽ được phép rời khỏi lớp, ngồi hoặc nằm tạm trên dãy ghế dài đóng sát tường, sát cột ngoài hành lang các dãy lớp cho thoáng khí, chờ bố mẹ tới đón. Tờ De Standaard trích nguồn Belga cho biết, dịch cúm chính thức hoành hành từ 29-1 đến 3-2, tính trung bình 100.000 người dân thì có 365 người phải gặp bác sĩ gia đình vì triệu chứng cúm như sốt, ho, sổ mũi, đau họng, đau đầu, đau cơ... Trẻ em từ 0 - 4 tuổi và người trên 65 tuổi là đối tượng dễ bị lây nhiễm nhất. Các bệnh viện yêu cầu người bị cúm không nên vào viện thăm nom người nhà, đồng nghiệp; người thăm bệnh phải sử dụng khăn giấy tiêu chuẩn, khử trùng tay hoặc đeo khẩu trang, được để sẵn dọc hành lang. Dịch cúm xảy ra hàng năm, ảnh hưởng sức khỏe của 3%-10% dân số Bỉ và kéo dài trung bình 2 tháng. Riêng năm ngoái, dịch cúm dai dẳng tới giữa tháng tư.
Ở Bỉ cũng như nhiều nước châu Âu, bắt đầu vào đông, từ kỳ nghỉ Giáng sinh là thời điểm dễ bùng phát cúm. Thời tiết lúc này thường âm u kéo dài, mưa nhiều và người ta ít có cơ hội tham gia các hoạt động ngoài trời. Ngay cả lúc tuyết rơi, nhiệt độ dưới 00C, người ta vẫn phải mở cửa sổ phòng ngủ 5 - 10 phút cho thoáng khí. Khi đưa con đi khám dịp này, bác sĩ cũng khuyên tôi nên để cốc nước trong phòng khách, phòng ngủ hoặc dùng máy phun ẩm để tránh viêm mũi cho trẻ nhỏ do sử dụng máy sưởi suốt ngày đêm.
Tháng 11 hàng năm cũng là thời điểm bác sĩ gia đình khuyên mọi người nên tiêm phòng cúm nếu muốn. Chị Thương bạn tôi đang làm việc trong một nhà dưỡng lão kể: “Đầu tháng 10 hàng năm, cơ quan đều có thông báo ai muốn tiêm phòng cúm phải đăng ký. Tháng 11 sẽ có người đến tiêm. Viêm gan siêu vi B bắt buộc phải tiêm từ khi còn đang thực tập nghề. Vaccine cúm không bắt buộc, nhưng tôi vẫn thường tiêm phòng để tránh mệt mỏi kéo dài cả tuần và lây nhiễm ra những người xung quanh, đặc biệt là người cao tuổi trong nhà dưỡng lão”.
Dịch cúm hàng năm ở Bỉ thường đến muộn hơn so với các nước láng giềng Pháp, Hà Lan. Các nhà khoa học cho rằng, lý do có thể nằm ở yếu tố gia tăng sử dụng vaccine ở Bỉ, một trong những nước đi đầu thế giới về sản xuất vaccine. Trước 2 tuổi, trẻ em ở Bỉ bắt buộc phải tiêm phòng các bệnh như sốt tê liệt, uốn ván, ho gà, viêm gan B... và dĩ nhiên cả bệnh sởi. Chứng nhận hoàn thành chương trình tiêm chủng này cho mỗi trẻ em phải có chữ ký của bác sĩ và cha mẹ phải đem nộp cho ủy ban địa phương để quản lý. Sự quản lý chặt chẽ này giúp nhanh chóng truy tìm nguồn bùng phát bệnh sởi trở lại châu Âu vài năm gần đây (do dấy lên phong trào anti vaccine - chống tiêm chủng). Năm 2018, tại Bỉ có khoảng 13 người bị sởi, nguồn khởi bệnh từ một nhóm người Đông Âu đang sống tại Bỉ. Báo chí đưa tin, hai trong số những bệnh nhân này đã trở về nước và tình trạng hồ sơ vaccine của các bệnh nhân cũng không rõ ràng.