Hàng ngàn tàu cá xa bờ… nằm bờ

“sóng gió” xăng dầu... đánh dạt tàu

“sóng gió” xăng dầu... đánh dạt tàu

Chỉ sau thời điểm Bộ Thương mại quyết định tăng giá xăng dầu 1 tuần, dọc theo bờ biển Việt Nam, hàng ngàn tàu cá xa bờ lại tiếp tục phải nằm bờ. Từ Quảng Ninh, Nam Định, Nghệ An, Phú Yên, Bình Thuận, Bà Rịa-Vũng Tàu cho đến tận An Giang, Tiền Giang, Cà Mau... những bến cảng đang găm đậu chật ních những tàu khai thác cá xa bờ trong tình trạng vật vờ vì... đói nhiên liệu.

  • “Vật vờ” theo giá xăng dầu
“sóng gió” xăng dầu... đánh dạt tàu ảnh 1

Dù đến ngày ra khơi nhưng nhiều tàu cá ở Sông Đốc (Cà Mau) vẫn nằm ì. Ảnh: BÌNH ĐẠI

Nhiều ngư dân Cà Mau vẫn chần chừ chưa chịu ra khơi. Với họ, giá dầu ở mức 7.500 đồng/lít đã là một sự mạo hiểm, đánh cược với biển cả, nay tăng thêm 400 đồng/lít, cơ hội “kiếm sống” càng mỏng manh. Ông Bảy Kim, một ngư dân kỳ cựu của làng cá Sông Đốc (Cà Mau) cho biết: “Đội tàu của tôi phải tốn thêm chi phí nhiên liệu 3-4 triệu đồng/chiếc”. Ngư dân Phạm Văn Phường, thị trấn Sông Đốc, Trần Văn Thời có 3 tàu đánh cá than vãn: Chuyến biển vừa rồi, khi giá xăng dầu còn ở mức cũ, tôi đã lỗ vốn… Nay với giá mới, phải tốn thêm hơn 10 triệu đồng chi phí nhiên liệu, chắc khó ăn”.

Sở Thủy sản Cà Mau vừa có kết luận về chuyến khảo sát tình hình đội tàu đánh bắt trong đợt tăng giá xăng dầu từ ngày 27-4-2006. Toàn tỉnh có 3.618 tàu đánh bắt biển, với tổng công suất 243.223 CV, trong đó, 1.126 tàu đánh bắt xa bờ. Bình quân mỗi chuyến biển (hơn 20 ngày), đoàn tàu này tiêu thụ khoảng 8 triệu lít dầu diezel. Với giá dầu mới, mỗi tháng đoàn tàu phải tốn thêm 4,4 tỷ đồng mua nguyên liệu. Trong khi đó, cũng theo kết luận của Sở Thủy sản Cà Mau, giá tất cả các loại sản phẩm đánh bắt đã không tăng thêm

Như vậy, tính từ năm 2003 đến nay, các tàu đánh cá xa bờ của nước ta đã phải trải qua 5 đợt tăng giá xăng dầu. Riêng trong năm 2005, nước ta đã có tới 3 đợt tăng giá xăng dầu, kéo giá dầu diezel từ 4.800 đồng/lít (hồi tháng 3) lên 5.500 đồng/lít, rồi lên 6.500 đồng/lít (hồi tháng 7) và lại lên 7.500 đồng/lít (vào hồi tháng 8-2005). Mới đây, Bộ Thương mại lại quyết định tăng lên 7.900 đồng/lít (tăng thêm 400 đồng).  Theo đánh giá của Bộ Thủy sản, đây thực sự là những trận sóng gió lớn khiến hàng ngàn tàu cá xa bờ được coi là chủ lực trong lĩnh vực khai thác của cả nước, vừa được hồi phục sau trận đau ốm, lại tiếp tục đổ vật xuống.

Theo Bộ Thủy sản, hiện cả nước có gần 7.000 tàu khai thác cá xa bờ. Trong đó, 1.382 tàu được đóng mới và cải hoán từ nguồn vốn tín dụng ưu đãi. Hơn 5.000 tàu còn lại là do ngư dân tự bỏ vốn đầu tư đóng mới. Nếu tính cả tàu khai thác gần bờ, hiện cả nước đang có tới 92.000 tàu thuyền máy với tổng công suất 5,3 triệu CV.

Bởi vậy, nhu cầu về nhiên liệu vô cùng lớn. Theo Vụ Nghề cá (Bộ Thủy sản), mỗi năm lượng xăng dầu cần cho tàu thuyền khai thác trong cả nước lên tới 1,615 triệu tấn. Với mức tăng thêm 400 đồng/lít như hiện nay, tính ra ngư dân đang phải bỏ thêm mỗi năm rất nhiều tiền!

  • Xoay trở cách nào?

Để chuẩn bị cho một chuyến biển, các chủ tàu đang phải đắn đo nhiều vấn đề: chi phí tăng, giá cả các mặt hàng thủy sản cứ “giậm chân tại chỗ”, thời tiết bất ổn, ngư trường cạn kiệt... và cả nỗi lo cướp biển. Tính sơ bộ, tỉnh Kiên Giang có 7.200 tàu đánh bắt, Cà Mau hơn 3.600 tàu và Sóc Trăng 1.081 tàu, phần lớn khai thác xa bờ. Lực lượng ngư phủ phục vụ đội tàu này trên 120.000 người. Đây là những lao động chủ chốt nuôi sống gia đình.

Nếu như hoạt động đánh bắt bị gián đoạn hoặc ngưng trệ sẽ ảnh hưởng rất lớn đến đời sống một bộ phận người dân. Trước tình thế này, nhiều chủ tàu cố tìm cách tự cứu mình bằng việc liên kết lại, tập trung bám biển khai khác rồi cử một, hai phương tiện về bán sản phẩm và lấy nhiên liệu, nước đá, thực phẩm cho chuyến mới, mong giảm một phần chi phí. Còn các tàu không đủ tiền ra khơi phải tạm ứng từ những cơ sở xăng dầu, nước đá và các đại lý thu mua hải sản.

Theo một cán bộ Trạm Đăng kiểm-Bảo vệ nguồn lợi thủy sản Sóc Trăng, có tới 90% số lượng tàu trong tỉnh đang phải dùng cách này. Nhưng cứ mỗi lít dầu, chủ tàu phải chịu giá 100-150 đồng, sản phẩm thì bán giá thấp hơn 1.000-1.500 đồng/kg so với giá thị trường. Thực tế này khiến các tàu đánh bắt xa bờ không chỉ gánh cả lãi mẹ mà còn gánh lãi con. “Cơn sóng gió” xăng dầu hiện đánh dạt đoàn tàu... vào bờ và chưa biết đến bao giờ lặng yên.

Trong khi đó, theo chủ trương của Bộ trưởng Bộ Thủy sản, các tàu khai thác xa bờ không có cách nào là phải chấp nhận “sống chung” với điều kiện tăng giá xăng dầu hiện tại và có thể tăng tiếp trong tương lai. Cụ thể, theo kế hoạch, trong thời gian từ nay đến cuối năm 2006 và kéo dài sang những năm tiếp theo, bộ sẽ “tổ chức lại các mô hình sản xuất” để giảm khó khăn, tiết kiệm chi phí xăng dầu cho ngư dân. Bộ trưởng Tạ Quang Ngọc nói, tổ chức lại sản xuất bằng cách ngư dân phải chuyển đổi các tàu thuyền khai thác.

Chính họ phải nỗ lực hơn trong việc tổ chức thành lập các “tổ liên kết” sản xuất trên biển, có nhiệm vụ hỗ trợ nhau khi khai thác xa bờ. Ngoài ra, để bù vào những tổn thất do chi phí xăng dầu tăng, Bộ Thủy sản khuyến cáo ngư dân cần sớm tăng cường đầu tư hơn cho công nghệ bảo quản và giảm thất thoát sau thu hoạch để nâng cao giá trị sản phẩm.

Bên cạnh đó, Bộ Thủy sản cũng đang lên kế hoạch cùng các Bộ Tài chính, KH-ĐT, Ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam, Quỹ hỗ trợ phát triển... thương thảo về việc cho vay ưu đãi đối với các tàu khai thác xa bờ, thực hiện chính sách khuyến khích ngân hàng thương mại cơ cấu lại nợ theo hướng kéo dài thời hạn trả nợ, khoanh nợ có thời hạn đối với những ngư dân thực sự đang gặp khó khăn do tăng giá xăng dầu.

VĂN PHÚC-BÌNH ĐẠI

Tin cùng chuyên mục