“Sóng” mới trong quan hệ Nga - Hoa Kỳ

Bất chấp việc Tổng thống Joe Biden vừa đề xuất về một cuộc gặp song phương với người đồng cấp Nga Vladimir Putin tại nước thứ ba và đề xuất này đang được Moscow cân nhắc, ngày 15-4, Hoa Kỳ đã công bố các lệnh trừng phạt kinh tế nhằm vào Nga và trục xuất 10 nhân viên ngoại giao của nước này. Cùng ngày, Điện Kremlin tuyên bố Nga coi bất kỳ lệnh trừng phạt nào của Hoa Kỳ cũng là bất hợp pháp và sẽ đáp trả phù hợp.
Hải quân Nga bắt đầu cuộc tập trận ở Biển Đen
Hải quân Nga bắt đầu cuộc tập trận ở Biển Đen

Lệnh trừng phạt nối tiếp

Nhà Trắng cho biết Tổng thống Biden đã chỉ thị mở rộng các biện pháp hạn chế hiện có với các ngân hàng Hoa Kỳ giao dịch với Chính phủ Nga, trục xuất 10 nhà ngoại giao và trừng phạt 32 cá nhân với cáo buộc tìm cách can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Hoa Kỳ năm 2020. Lý do được đưa ra là đáp trả những hành động mà Washington cáo buộc là sự can thiệp của Điện Kremlin vào bầu cử Hoa Kỳ và tấn công mạng quy mô lớn. Moscow đã phủ nhận mọi cáo buộc này, đồng thời tuyên bố sẽ có hành động đáp trả.

Các lệnh trừng phạt này là một phần trong các phản ứng của Chính phủ Hoa Kỳ đối với vụ tấn công mạng được phát hiện hồi tháng 12 năm ngoái mà Hoa Kỳ cáo buộc do Nga thực hiện. Vụ tấn công nhằm vào chuỗi cung ứng phần mềm SolarWinds, cho phép các tin tặc truy cập vào dữ liệu của hàng ngàn công ty và văn phòng chính phủ sử dụng phần mềm này. Theo Reuters, các lệnh trừng phạt mới của Hoa Kỳ nhằm vào Nga cũng còn có các biện pháp nhằm vào nợ công của nước này. Trong khi đó, báo Wall Street Journal đưa tin, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden sẽ mở rộng lệnh cấm các ngân hàng Hoa Kỳ thực hiện giao dịch buôn bán các khoản nợ quốc gia của Nga.

Ngoài ra, Bộ Tài chính Hoa Kỳ cũng thông báo trừng phạt 8 cá nhân và thực thể liên quan tới việc Nga sáp nhập trở lại Bán đảo Crimea. Trước đó, Liên minh châu Âu (EU), Anh, Australia và Canada đã áp biện pháp trừng phạt Nga vì vấn đề tương tự. Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tuyên bố ủng hộ quyết định mới này của Hoa Kỳ.

Bất đồng dồn nén 

Theo giới quan sát, căng thẳng gia tăng giữa Nga và Ukraine là cơ sở cho các lệnh trừng phạt kinh tế chống lại Nga, vốn đã bị Điện Kremlin lên án gay gắt từ nhiều năm qua. Nhà Trắng thông báo, trong cuộc điện đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 13-4, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đã nhấn mạnh sự ủng hộ không ngừng của Washington đối với chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine, đồng thời kêu gọi Moscow giảm leo thang căng thẳng. Văn phòng Thủ tướng Đức ngày 14-4 cho biết, bà Angela Merkel cùng Tổng thống Biden đã nhất trí kêu gọi Nga giảm quân số đồn trú ở khu vực biên giới với Ukraine. 

Trong khi đó, các hãng tin của Nga ngày 14-4 đưa tin, Hải quân Nga đã bắt đầu một cuộc tập trận ở Biển Đen trong bối cảnh tàu chiến Hoa Kỳ dự kiến sẽ xuất hiện tại khu vực này. Cuộc tập trận có sự tham gia của các tàu nổi từ hạm đội Biển Đen của Nga đóng tại Crimea, cũng như trực thăng và máy bay. Cuộc tập trận được diễn ra trong bối cảnh 2 tàu chiến của Hoa Kỳ sẽ đến Biển Đen trong tuần này khi Washington và NATO gióng lên hồi chuông báo động liên quan đến hoạt động xây dựng của các lực lượng Nga gần Ukraine và Crimea.

Về phía Nga, trước đó, phát biểu trước báo giới, Thứ trưởng Ngoại giao Liên bang Nga Sergei Ryabkov đề nghị Hoa Kỳ sớm khẳng định rõ lập trường về Hiệp ước Bầu trời mở. Trong trường hợp đến cuối tháng 5 tới Hoa Kỳ vẫn không xem xét lại quan điểm, Nga sẽ gửi công hàm về việc rút khỏi hiệp ước này tới các bên liên quan. Hiện Bộ Ngoại giao Nga đã bắt đầu các thủ tục trong nước để rút khỏi Hiệp ước Bầu trời mở và dự kiến sẽ hoàn tất thủ tục trước mùa hè năm nay. Nga coi đây sự đáp trả tương xứng khi Hoa Kỳ đã đơn phương rút khỏi hiệp ước này vào ngày 22-11-2020, 6 tháng sau khi Tổng thống Hoa Kỳ ở thời điểm đó là ông Donald Trump tuyên bố ý định ngừng tham gia hiệp ước này.

Tin cùng chuyên mục