Sau vụ lật đổ thành công chính quyền Gaddafi, dẫn đến sự ra đời của chính phủ lâm thời Libya được thành lập, những tưởng đất nước Libya sẽ dần đi vào ổn định nhưng những gì đang diễn ra tại đây lại cho thấy điều ngược lại. Đó là nhận định trên tờ Russia Today. Sự kiện hàng ngàn người dân tại thành phố Benghazi, cái nôi sinh ra Hội đồng chuyển tiếp dân tộc (NTC) tổ chức biểu tình 2 ngày phản đối chính phủ lâm thời. Điều này cho thấy sự bất mãn bắt đầu nảy sinh từ những người dân từng dung dưỡng họ.
Người dân giận dữ vì điều gì? Giáo sư Mark Almon, Trường Đại học Bilkent, lý giải: Họ phản đối sự nhu nhược của chính phủ lâm thời khi những gì Chủ tịch NTC Abdel Jali thực hiện giống như “vuốt đuôi” phương Tây. Chính phủ mới vui vẻ chấp nhập chia phần nguồn lợi từ dầu mỏ và khí đốt cho NATO và Mỹ. Ít ra, dưới thời ông Gaddafi, nguồn lợi từ nguồn tài nguyên này cũng không chạy vào túi kẻ khác. Họ mong đợi sự thay đổi để mang lại lợi ích cho họ chứ không phải cho phương Tây. Cuộc sống của người dân Libya thời ông Gaddafi vốn đã khó khăn thì nay lại càng khó khăn hơn vì đất nước bị tàn phá nặng nề trong cuộc chiến. Đáng sợ hơn, một chính phủ mới không có sự tự chủ và chỉ biết phụ thuộc vào các thế lực nước ngoài.
Trong lúc đó, tình hình nội bộ chính trường tại Libya lại xuất hiện những đợt sóng ngầm vì sự chia rẽ giữa hai miền Đông-Tây khi các chức vụ trong nội các mới phần lớn được giao cho những người đến từ phía Tây Libya. Điều này khiến nhiều thủ lĩnh miền Đông cảm thấy ấm ức vì bị cho “ra rìa”. Chính họ mới là lực lượng chủ chốt, tiên phong chiến đấu trong cuộc chiến với ông Gaddafi. Điều này cho thấy sự công khai về quá trình thành lập chính phủ lâm thời chỉ nhằm trấn an dư luận.
Thực tế, trong nội bộ NTC còn ẩn chứa nhiều khúc mắc khó giải quyết. Mặc dù Libya không chia rẽ bè phái giống như giữa người Sunni và người Shiite ở Iraq, song nước này lại có sự chia rẽ bộ tộc và nay lại là sự chia rẽ vùng, miền, có thể châm ngòi cho các cuộc xung đột. Chính phủ của ông Gaddafi đã phải gánh chịu hậu quả nặng nề trước đây vì đã không thiết lập được một chính phủ toàn quyền và thống nhất các bộ lạc.
Ấy là chưa kể đến hiện tại vẫn còn hàng chục ngàn tay súng vũ trang đang nằm ngoài cơ cấu của chính phủ mới ở Libya. Mâu thuẫn có thể leo thang bất cứ lúc nào, chắc chắn sẽ cản trở các nỗ lực kiến thiết dân chủ tại đây.
Những diễn biến mới nhất trên chính trường Libya cho thấy đây là thời điểm nhạy cảm, thử thách ý chí của giới chức cầm quyền tại quốc gia Bắc Phi này. Tình hình trong nước vẫn chưa yên, chính quyền mới quá non trẻ nên con đường đưa đất nước đến sự ổn định vẫn còn rất xa. Có lẽ, còn quá sớm để nói rằng NTC sẽ không trụ vững tại Libya nhưng không thể không thấy một viễn cảnh trước mắt, nếu chính phủ không thể mang lại sự hòa hợp dân tộc thì kịch bản cũ sẽ tái diễn.
THANH HẰNG
- Thông tin liên quan:
>> Hội đồng Dân tộc Chuyển tiếp (NTC) Libya được "hợp thức hóa"