
Là quốc gia nằm trong vùng nhiệt đới, Việt Nam có đầy đủ các yếu tố thuận lợi về khí hậu và môi trường cho muỗi a-nô-phen phát triển khiến bệnh số rét ở nước ta lây truyền quanh năm với từ một đến hai đỉnh cao tùy theo vùng địa lý, tùy loài muỗi trung gian truyền bệnh chủ yếu và đều có liên quan chặt chẽ với mùa mưa. Mùa mưa đã bắt đầu, công tác phòng và chống bệnh sốt rét phải được quan tâm đặc biệt.

Đào tạo bổ túc xét nghiệm ký sinh trùng sốt rét.
Qua nghiên cứu, người ta thấy rằng những người không có hoặc có ít miễn dịch bảo vệ (chống lại bệnh sốt rét) thuộc nhóm nguy cơ cao dễ mắc sốt rét và cũng dễ tử vong. Ở những vùng sốt rét lưu hành nặng, nhóm nguy cơ này bao gồm các trẻ em, phụ nữ có thai, đặc biệt ở 3 tháng đầu và giữa của thai kỳ, và những người đến từ vùng không có sốt rét (hoặc từ vùng sốt rét nhẹ) bao gồm người đi du lịch, công tác, làm ăn và di dân kinh tế.
Nếu chẳng may bị nhiễm phải Plasmodium falciparum thì có thể bị sốt rét ác tính với các triệu chứng về não (hôn mê, co giật), thiếu máu nặng, suy thận cấp, vàng da, suy hô hấp… Các biến chứng này thường gặp ở những người không có hoặc có ít miễn dịch bảo vệ và có thể đưa đến tử vong. Những người bị sốt rét nhiều lần, nhất là trẻ em và phụ nữ có thai thường dễ bị thiếu máu nặng do ký sinh trùng sốt rét thường xuyên phá hủy hồng cầu.
Để điều trị nhiều khi phải truyền máu và người bệnh lại phải đối mặt với tai biến nhiễm phải các bệnh lây qua đường truyền máu kể cả HIV nếu nguồn cho máu không được sàng lọc kỹ. Ngoài ra, các trẻ sơ sinh có mẹ mắc sốt rét trong lúc mang thai thường có cân nặng lúc sinh thấp hoặc sinh non và thường có tỉ lệ tử vong ở những năm đầu đời cao hơn. Tác hại của sốt rét có thể kết hợp với các bệnh khác như suy dinh dưỡng, HIV/AIDS, lao, thiếu máu do mọi nguyên nhân để đưa đến những hậu quả nghiêm trọng hơn.
Đối với người dân sống ở vùng không có lây truyền sốt rét (như ở một số quận nội thành của TPHCM) thì đại đa số các trường hợp mắc sốt rét đều do đi vào vùng sốt rét. Điều đáng lưu ý là do không có miễn dịch bảo vệ nên những cư dân thành phố, một khi mắc sốt rét, thường dễ bị bệnh nặng và cũng dễ tử vong hơn. Mặt khác, một số thầy thuốc ở thành phố (ngoại trừ các bệnh viện chuyên khoa) do ít tiếp xúc với bệnh nhân sốt rét nên thường chậm trễ, thậm chí sai lầm trong chẩn đoán và điều trị sốt rét. Trong một số trường hợp, bệnh nhân sốt rét có thể truyền ký sinh trùng sốt rét sang cho muỗi A - nô - phen tại chỗ và đến lượt muỗi này sẽ lại truyền sốt rét cho cư dân địa phương dẫn đến sốt rét quay trở lại ở vùng trước đây đã thanh toán được sốt rét.
ThS.BS. LÊ HÙNG THÁI
(Viện Sốt rét - KST-CT TPHCM)
Tại sao ta bị bệnh sốt rét? Bệnh sốt rét do một loại sinh vật rất nhỏ ký sinh trong hồng cầu gây nên (ký sinh trùng sốt rét). Người mắc sốt rét khi bị muỗi A - nô - phen (còn gọi là muỗi đòn xóc) có mang ký sinh trùng sốt rét đốt phải. Ngoài muỗi A - nô - phen là trung gian truyền bệnh sốt rét, người ta có thể mắc sốt rét khi được truyền máu bị nhiễm ký sinh trùng sốt rét, hoặc dùng kim tiêm có nhiễm ký sinh trùng sốt rét. |