Sri Lanka ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia ​

Ngày 13-7, Chính phủ Sri Lanka tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia sau khi Tổng thống Gotabaya Rajapaksa rời đất nước tới Maldives. Cảnh sát Sri Lanka xác nhận áp lệnh giới nghiêm vô thời hạn với các tỉnh phía Tây, bao gồm cả thủ đô Colombo, để kiểm soát tình trạng biểu tình đang có xu hướng gia tăng.

Cùng ngày, Chủ tịch Quốc hội Sri Lanka, ông Mahinda Yapa Abeywardana, cho biết Tổng thống Gotabaya Rajapaksa đã chỉ định Thủ tướng Ranil Wickremesinghe đảm nhận các chức trách và quyền hạn của tổng thống. Trong tuyên bố, ông Abeywardana nêu rõ quyết định trên của ông Rajapaksa phù hợp với hiến pháp, trong bối cảnh tổng thống không ở trong nước. 

Sau khi thông tin được công bố, hàng ngàn người xông vào Văn phòng Thủ tướng yêu cầu Thủ tướng Wickremesinghe từ chức. Ông Wickremesinghe khẳng định sẵn sàng từ chức để mở đường thành lập một chính phủ đoàn kết.

Một nhóm biểu tình xông vào trung tâm truyền hình quốc gia Sri Lanka Rupavahini và đưa ra yêu cầu ngừng phát sóng các chương trình có mặt Thủ tướng Ranil Wickremesinghe, người vừa được chỉ định làm Tổng thống tạm quyền. Sri Lanka Rupavahini buộc phải thỏa hiệp và đồng ý phát sóng các chương trình khác.

Sri Lanka ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia ​ ảnh 1 Người biểu tình ở Sri Lanka xông vào dinh Thủ tướng. Ảnh: REUTERS

Theo kế hoạch, Quốc hội Sri Lanka sẽ bầu tổng thống mới vào ngày 20-7. Các cuộc biểu tình ở Sri Lanka đã kéo dài suốt nhiều tháng và lên đỉnh điểm cuối tuần trước, khi hàng trăm ngàn người kiểm soát các tòa nhà chính phủ ở Colombo, xông vào phủ tổng thống.

Tổng thống Gotabaya Rajapaksa bị cáo buộc đã đưa ra những chính sách sai lầm, đẩy quốc đảo này rơi vào cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ.

Tin cùng chuyên mục