Sự cố gian lận thi cử: Bộ trưởng Bộ GD-ĐT né tránh trách nhiệm? ​

Ngày 24-7, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ lần đầu tiên trả lời báo chí về sự cố gian lận thi cử. Tuy nhiên, phần trả lời của Bộ trưởng khiến nhiều người quan tâm đến lĩnh vực giáo dục không hài lòng, khi ông chưa một lần nhận lỗi. 
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ

Vụ gian lận thi cử ở Hà Giang đã làm rúng động xã hội. Tại thời điểm này, Bộ Công an, Bộ GD-ĐT, Công an tỉnh Sơn La vẫn đang khẩn trương xác minh dấu hiệu bất thường tại Hội đồng thi Sơn La.

Ngày 24-7, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ lần đầu tiên trả lời báo chí về sự cố gian lận thi cử này. Tuy nhiên, phần trả lời của Bộ trưởng khiến nhiều người quan tâm đến lĩnh vực giáo dục không hài lòng, khi tư lệnh ngành chưa một lần nhận lỗi. Thay vào đó, Bộ trưởng khẳng định "quy trình tổ chức thi ngày càng hoàn thiện".

Sau bài trả lời phỏng vấn của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, nhiều chuyên gia giáo dục, nhà khoa học, đại biểu Quốc hội cũng như những người làm trong ngành giáo dục đã bày tỏ sự không hài lòng khi chưa thấy Bộ trưởng Bộ GD-ĐT nhận trách nhiệm cá nhân trước sự cố được cho là nghiêm trọng trong lịch sử ngành giáo dục.

Theo PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, khi xảy ra sự cố, lẽ ra Bộ trưởng Bộ GD-ĐT phải nhận trách nhiệm, vì đó là thiếu sót của ngành.

“Quy chế thi nếu chặt chẽ thì đã không xảy ra gian lận và tiêu cực. Do quy chế cũng như việc thực hiện quy chế không chặt chẽ nên mới có chuyện một mình ông Vũ Trọng Lương mở phòng bài thi và tự do di chuyển bài thi về phòng mình để sửa điểm… Khi quy chế vẫn còn sơ hở thì Bộ trưởng nhận trách nhiệm là việc đương nhiên”, ông Nhĩ nói.

ĐB Quốc hội Bùi Thị An cũng nêu ý kiến: Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ tối 24-7 trả lời báo chí khẳng định “quy trình ngày càng hoàn thiện” theo tôi là chưa chuẩn. Vì tại sao "quy trình ngày càng hoàn thiện" mà lại xảy ra tiêu cực lớn như vậy, lỗ hổng lớn như vậy, gian lận không chỉ xảy ra ở một tỉnh mà là vài tỉnh?

“Người dân cũng không thấy Bộ trưởng nhận trách nhiệm cá nhân. Quan điểm của tôi là với sự việc lớn như vậy, dù xảy ra ở địa phương, thì người trưởng ngành phải chịu trách nhiệm cá nhân trước nhân dân, trước Đảng, trước Quốc hội. Rõ ràng, Bộ trưởng được giao nhiệm vụ quản lý trong lĩnh vực giáo dục thì phải chịu trách nhiệm. Còn chuyện phân cấp, xảy ra ở đâu, thì đó vẫn là cấp dưới của Bộ trưởng”, bà Bùi Thị An nêu ý kiến.

Thầy Trần Trung Hiếu, giáo viên dạy Lịch sử tại Trường THPT chuyên Phan Bội Châu (Nghệ An) thì nhận định: “Vừa rồi, tôi nghĩ Bộ trưởng đã thận trọng, có động thái chỉ đạo kịp thời, quyết liệt trong việc xử lý sai phạm, phối hợp với công an, chính quyền các địa phương để giải quyết sự việc”.

Thầy Hiếu cho biết thêm, sự cố gian lận thi cử xảy ra, rõ ràng dư luận chờ đợi sự lên tiếng của Bộ trưởng. “Nhưng khi Bộ trưởng lên tiếng thì tôi và các đồng nghiệp cảm thấy không toại nguyện, điều mong chờ chưa thấy, vì Bộ trưởng đã thiếu lời xin lỗi. Nếu Bộ trưởng nói lời xin lỗi thì tôi cho rằng dư luận sẽ đỡ dậy sóng”, thầy Hiếu nhận định.

Theo Thầy Hiếu, dù bộ, ban, ngành nào, khi có sự cố tương tự xảy ra thì trước hết  tư lệnh ngành phải nhận lỗi trước dân đã, vì đó là lỗi quản lý!

Tin cùng chuyên mục