Dấu ấn thời gian

Sự cuốn hút của sự thật và giai thoại

Sự cuốn hút của sự thật và giai thoại

Đề tài về lịch sử nước nhà luôn chiếm một vị trí trang trọng trong văn nghiệp của nhà văn Hoài Anh; đến nay, ông đã sáng tác gần hai mươi tác phẩm văn học về chủ đề này. Trong đó, ông dành sự quan tâm đặc biệt đối với vua Lý Công Uẩn và luôn ấp ủ những dự định lớn lao đối với nhân vật lịch sử có một không hai này. Và ông đã chọn thể loại tiểu thuyết - kịch để thể hiện về vị khai sinh của 215 năm triều đại nhà Lý.

Sự cuốn hút của sự thật và giai thoại ảnh 1

Lý Công Uẩn tức Thuận Thiên Lý Thái Tổ, trị vì nước nhà 19 năm (1010-1028) rồi mất vì bệnh, thọ 55 tuổi. Dưới thời ông cầm quyền, đất nước thái bình, thịnh trị.

Tháng 6-1018, Lý Thái Tổ sai quan Nguyễn Đạo Thành và Phạm Hạc sang Tàu lấy kinh Tam Tạng về cất vào kho Đại Hưng. Đạo Phật thời đó rất thịnh hành, được lấy làm quốc đạo.

Công lao của Lý Công Uẩn vô cùng to lớn trong lịch sử dân tộc. Ông là người tinh thông võ nghệ, am tường Phật pháp, lấy đức độ và lòng tâm Phật để cai trị thiên hạ nên xã tắc luôn thái bình, thịnh trị.

Bối cảnh của kịch chỉ tập trung vào giai đoạn Lý Công Uẩn bị Lê Long Đĩnh (vua Lê Ngọa Triều) nghi kỵ, đẩy đi dẹp loạn, thường xuyên xa kinh đô. Cho đến khi Lê Long Đĩnh chết, triều đình hỗn loạn và quần thần tôn Lý Công Uẩn lên làm vua.

Thời điểm truyện - kịch diễn ra chỉ trong vài tháng của năm 1009. Bối cảnh của tác phẩm đề cập từ thành Đại La (Thăng Long - Hà Nội), Long Biên (Bắc Ninh) và kinh đô Hoa Lư (Ninh Bình). Bằng thủ pháp miêu tả xen đối thoại, vừa dẫn chuyện vừa khắc họa tính cách nhân vật thông qua đối thoại, tác giả đã chắt lọc những dữ kiện lịch sử, làm nền nhằm tái hiện một Lý Công Uẩn sinh động trong mối quan hệ đa chiều với các tầng lớp nhân dân (Cô cắt cỏ), quan lại (Đào Khánh Văn, đại thần), sư sãi (Vạn Hạnh, đại sư chùa Tiêu Sơn) và trí thức (ông đồ Trần Minh Long)...

Lịch sử đã có nhiều hoài nghi về mối quan hệ giữa ông và Thiền sư Vạn Hạnh, trong tác phẩm này, tác giả Hoài Anh đã lý giải bằng cuộc đối thoại thẳng thắn giữa hai người.

(Lý Công Uẩn lúc này đã làm quan, trở lại chùa thăm sư phụ Vạn Hạnh).

- Lý Công Uẩn: Đệ tử kính lạy sư phụ.

- Vạn Hạnh: A Di Đà Phật, bần tăng kính chào Lý Thân vệ.

- Lý Công Uẩn: Xin sư phụ cứ gọi đệ tử là con như ngày trước… Hay con có lỗi lầm gì, xin sư phụ dạy cho con để con khỏi áy náy trong lòng.

(…) Lý Công Uẩn: …Có người bảo được nghe một thầy phù thủy qua làng nói bóng gió, sư phụ chính là… cha của con.

- Vạn Hạnh: (thủng thẳng nói) Nói một cách nào đó thì ta cũng là cha của con…

(…)Vạn Hạnh: Phật dạy: “Con người có sinh thân cũng gọi là ứng thân, là do thân thể thụ bẩm của cha mẹ”. Ta không phải là cha của sinh thân con, nhưng nuôi dạy con nên người, khơi dậy Phật tính trong lòng tự tính của con, như vậy cũng là người cha của pháp thân con.

Khéo léo đan cài giữa cứ liệu thuyết phục, giai thoại sinh động với những lời đối thoại thẳng thắn, có lý, có tình, nhà văn Hoài Anh đã lý giải cặn kẽ mối quan hệ Thiền sư Vạn Hạnh - Lý Công Uẩn không phải là quan hệ cha - con mà là quan hệ bác - cháu, sư phụ - đệ tử. Sự tiếp cận ấy cũng góp phần làm cho cho cuốn sách trở nên hấp dẫn và lôi cuốn người đọc.

Đọc tiểu thuyết - kịch Thuận Thiên Lý Công Uẩn, bạn đọc sẽ hình dung bối cảnh của đất nước ta cách đây 1.000 năm và cùng có chung cảm nhận rằng ở thời nào thì ao ước của con người vẫn là đất nước được độc lập, tự do, xã hội thái bình, trên dưới đồng lòng, xã hội vì dân, kiên quyết chống bọn quan lại, tham nhũng, đặt quyền lợi của bá tánh trên lợi ích cá nhân…

Dưới bút lực dồi dào, văn phong uyển chuyển của tác giả, một tác phẩm viết về lịch sử nhưng không khô cứng, một chiều mà rất mềm mại và đặc biệt cuốn hút với những giai thoại dân gian về Lý Công Uẩn.

(*) NXB Văn học, quý 1-2008.

Thảo Lư

Tin cùng chuyên mục