Việc chuyển đổi sang các thiết bị điều hòa không khí tiết kiệm năng lượng có thể cắt giảm tới 460 tỷ tấn khí thải nhà kính toàn cầu, tương đương khoảng 8% của năm 2018.
Ngoài ra, theo báo cáo, nhân đôi hiệu quả năng lượng của thiết bị điều hòa không khí trên toàn thế giới cũng có thể tiết kiệm 2.900 tỷ USD vào năm 2050 từ việc giảm chi phí sản xuất và phân phối điện.
Gần như chắc chắn rằng năm 2020 sẽ là một trong những năm nóng nhất trong lịch sử được ghi lại. Năm 2019 là năm nóng thứ 2 từ trước đến nay. Số lượng các thiết bị điều hòa không khí trên toàn thế giới dự kiến sẽ tăng gấp 4 lần vào giữa thế kỷ 21, từ 3,6-14 tỷ thiết bị. Do đó, Trái đất sẽ cần sử dụng năng lượng nhiều hơn 5 lần để làm mát so với hiện nay. Theo dự báo của IEA, chỉ riêng lượng điện để làm mát sẽ chiếm hơn 80% công suất điện tiêu thụ vào năm 2050.
Theo UNEP, tiêu chuẩn hiệu quả cao hơn trong sử dụng điện là một trong những công cụ hiệu quả nhất mà các chính phủ phải thực hiện nhằm đáp ứng các mục tiêu về năng lượng và môi trường. Bằng cách cải thiện hiệu quả làm mát, có thể giảm nhu cầu về các nhà máy điện mới, cắt giảm khí thải và tiết kiệm tiền của người tiêu dùng. Giám đốc điều hành của UNEP Inger Andersen cho biết, khi đầu tư vào chương trình phục hồi kinh tế sau Covid-19, các quốc gia có cơ hội sử dụng tài nguyên một cách khôn ngoan để giảm thiểu biến đổi khí hậu, bảo vệ thiên nhiên và giảm thiểu rủi ro của đại dịch.