Sự hy sinh thầm lặng

Chấp nhận hiểm nguy, đối mặt thử thách, dũng cảm băng qua biển lửa, lặn hụp dưới kênh rạch… những người lính cứu hỏa, cứu nạn cứu hộ đang ngày đêm cống hiến, sẵn sàng đánh đổi cả sinh mạng của mình để bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân.
Thiếu tá Phạm Minh Tráng và Thiếu tá Nguyễn Hữu Đạo hạnh phúc khi cứu được người gặp nạn
Thiếu tá Phạm Minh Tráng và Thiếu tá Nguyễn Hữu Đạo hạnh phúc khi cứu được người gặp nạn

Lằn ranh sinh tử

Mỗi vụ cháy, tai nạn, cứu người là mỗi tình huống khác nhau, thách thức sự mưu trí, dũng cảm và kinh nghiệm của người chỉ huy, chiến sĩ phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC-CNCH). Dù ở tình huống nào, những người lính ấy vẫn luôn chạy đua với thời gian, vận dụng sự nhạy bén, kích hoạt mọi giác quan, tìm mọi cách để cứu người, bảo vệ tài sản cho nhân dân. Không ganh đua, không so sánh, không phô trương, sau mỗi lần đối mặt với “tử thần” để cứu người, họ lại lặng lẽ trở về với thao trường, rèn luyện cả thể chất lẫn tinh thần, sẵn sàng nhận nhiệm vụ tiếp theo.

Hơn 20 năm làm lính cứu hỏa, trong đó phần lớn thời gian làm nhiệm vụ trinh sát hiện trường, Thiếu tá Nguyễn Hữu Đạo, Tổ trưởng Tổ trinh sát, Đội chữa cháy và CNCH khu vực 1, Phòng Cảnh sát PCCC-CNCH (PC07, Công an TPHCM) từng nhiều lần đối mặt với “tử thần” khi xả thân vào đám cháy để tìm người mắc kẹt, tìm nguồn cơn của đám cháy. “Nếu chết chắc tôi đã chết nhiều lần rồi”, Thiếu tá Nguyễn Hữu Đạo nói khi nhắc lại những lần trinh sát lửa.

Nhớ lại lần vượt tường lửa cứu người mắc kẹt trong đám cháy ở quận 3 cách đây không lâu, anh không hiểu tại sao lúc đó có thể liều mình như thế. Anh kể, khi đến hiện trường thì đám cháy đang bùng phát, một nạn nhân đang chênh vênh ở lan can trên tầng cao, tinh thần hoảng loạn, nếu không cứu kịp thì khả năng người này sẽ rơi xuống đất.

Thấy nạn nhân đang hoảng loạn kêu cứu trong khi khoảng cách quá xa, thang không tiếp cận được, anh Đạo liều mình băng qua đám cháy, chui qua khe hẹp để tiếp cận, trấn an, buộc dây và đưa nạn nhân xuống dưới an toàn. “Khi đó nhiệt độ đám cháy đang rất cao, chỉ cần một chút sơ suất là mình cũng biến thành nạn nhân. Tuy nhiên, thấy người dân đang hô hoán kêu cứu thì mình quên cả sự nguy hiểm của bản thân, chỉ nghĩ làm sao cứu được người một cách nhanh nhất. Lúc cứu người xong, ngồi nghĩ lại cũng thấy sợ thật”, anh Đạo cười.

Gần 24 năm gắn bó với công tác PCCC-CNCH, Thiếu tá Phạm Minh Tráng không nhớ nổi đã bao nhiêu lần vượt tường lửa trong các đám cháy hay lặn lội dưới dòng kênh đen để cứu người bị nạn, tìm tài sản cho người dân. Thế nhưng, anh nhớ mãi thời khắc lao người qua 2 nấc thang để chụp tay cô gái đang có ý định tự vẫn vào năm 2019.

Thời điểm đó cô gái đứng trên nóc chùa, sẵn sàng nhảy xuống nếu có người tiếp cận. Sau gần 2 giờ thuyết phục không được, anh Tráng quyết định sử dụng biện pháp nghiệp vụ để giải quyết một cách an toàn nhất. Anh cởi quân phục, đóng vai một người dân thường đứng nói chuyện, thuyết phục người này ăn cơm, uống nước. Sau một lúc nói chuyện, cô gái đồng ý ăn cơm, anh cầm hộp cơm, chai nước leo cầu thang lên nóc chùa, khi còn cách 2 bậc thang, anh dùng hết sức lực lao người tới nắm được tay cô gái. “Thời điểm đưa cơm lên là tôi xác định phải giải quyết ngay, không để thêm một giây phút nào nữa. Thắng hay thua là ở giây phút quyết định đó. Nếu không may chụp trượt thì chắc chắn cô gái sẽ lao mình xuống dưới, còn nếu trượt chân chắc chắn cả tôi cũng sẽ rơi xuống và không qua khỏi. May mắn là tôi đã nắm được tay cô gái”, anh Tráng nhớ lại.

Cứu người là lẽ sống

Từng chứng kiến nhiều thế hệ cán bộ chiến sĩ xả thân lao vào đám cháy, dòng nước để cứu người, bảo vệ tài sản, Đại tá Huỳnh Quang Tâm, Trưởng phòng PC07, Công an TPHCM, khẳng định đó là lẽ sống của người lính. Tinh thần, lý tưởng của một người lính chữa cháy, CNCH là sẵn sàng trong bất cứ tình huống nào để cứu người, cứu tài sản cho người dân.

Khi có sự cố cháy nổ, người dân chạy ra thì cán bộ, chiến sĩ cảnh sát PCCC-CNCH lại chạy ngược vào. Họ mang trong mình lòng quả cảm, tình yêu thương, tinh thần trách nhiệm cao, trở thành điểm tựa vững chắc cho người dân trong lúc hiểm nguy. Họ xác định sẵn sàng đối diện với “tử thần” để cứu người, cứu tài sản đã khiến người dân xúc động, yêu mến và tin tưởng.

Nghề chữa cháy, CNCH là nghề nguy hiểm, môi trường dày đặc khói, khí độc, hóa chất. “Khi tham gia chữa cháy, CNCH có thể gặp các sự cố như sụp đổ công trình, người lính luôn đối mặt với lằn ranh sống chết. Tuy nhiên, trong bất cứ hoàn cảnh nào, khó khăn nào, người lính cứu hỏa, CNCH cũng dũng cảm, tâm huyết thực hiện nhiệm vụ vì trách nhiệm và tình yêu thương”, Đại tá Huỳnh Quang Tâm nhấn mạnh.

Mỗi khi xảy ra cháy nổ, lính cứu hỏa luôn là người đầu tiên dấn thân vào hiện trường để tìm người bị nạn, xác định nguồn cơn của ngọn lửa, họ cũng là người cuối cùng rời khỏi hiện trường. Có những lúc bước vào hiện trường thì mọi thứ đã đổ sập, khói lửa bao trùm, người lính cứu hỏa phải vận dụng mọi giác quan, xác định vị trí xung quanh để cứu người.

Dù được trải qua trường lớp chuyên nghiệp, huấn luyện thường xuyên và kinh nghiệm đầy mình, người lính cứu hỏa, CNCH phải chấp nhận những rủi ro có thể xảy ra. “Đời lính phải có sự dũng cảm, đừng chỉ nghĩ đến rủi ro mà không dám dấn thân. Với tôi, hạnh phúc nhất là cứu được nhiều người an toàn ra ngoài”, anh Tráng tâm sự.

Có hàng chục năm kinh nghiệm, cứu được rất nhiều người nhưng những người lính cứu hỏa vẫn không khỏi day dứt khi tận mắt chứng kiến nạn nhân tử vong mà không kịp cứu. Sau mỗi vụ việc đau lòng, họ luôn trăn trở tìm cách để nâng cao ý thức người dân về PCCC, trong đó công tác thoát nạn, tự bảo vệ mình trong đám cháy là cực kỳ quan trọng.

Tin cùng chuyên mục