Sứ mệnh thiêng liêng của người cầm bút

Lần đầu tiên, Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức trao giải thưởng sáng tác về chủ đề biên giới và biển đảo dành cho những tác phẩm viết từ năm 1974 đến nay. Đây không chỉ là một cuộc tổng kết, một lễ trao giải đơn thuần, mà hơn thế, còn là minh chứng rõ ràng, mạnh mẽ của những người cầm bút về tình yêu quê hương, đất nước về sứ mệnh bảo vệ chủ quyền.

Trước năm 1975, các sáng tác chủ yếu phản ánh cuộc chiến tranh trên đất liền gắn với nhiệm vụ giải phóng dân tộc. Sau năm 1975, vấn đề bảo vệ sự toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ (cả trên biển, trên không, đất liền, biên giới, hải đảo) mới xuất hiện và càng ngày càng dày đặc hơn trong các sáng tác văn học.

Hơn 40 năm qua, mảng đề tài biên giới, biển đảo vẫn được coi là lĩnh vực nhạy cảm, bị chi phối bởi công tác ngoại giao, nhưng những sáng tác được ghi nhận và trao giải lần thứ 1 đã chứng tỏ nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo, bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ là vô cùng thiêng liêng, cao cả. Nói như nhà thơ Hữu Thỉnh, họ cứ lặng lẽ đi, lặng lẽ viết, âm thầm sáng tạo mà truyền nguồn năng lượng tích cực bảo vệ lợi ích, chủ quyền của quốc gia, dân tộc.

44 tác giả được trao giải, tôn vinh là những cái tên không mới trên văn đàn Việt. Phần nhiều tác phẩm của họ đã quen thuộc với bạn đọc. Có thể kể đến Huyền thoại tàu không số của Đình Kính, Trường Sa kỳ vĩ và gian lao của Sương Nguyệt Minh, Biển xanh màu lá của Nguyễn Xuân Thủy, Tổ quốc nhìn từ biển của Nguyễn Việt Chiến, Đảo chìm Trường Sa của Trần Đăng Khoa... Góc nhìn khác nhau, thể loại, phong cách khác nhau nhưng chung tình cảm hướng về biên giới, biển đảo thiêng liêng.

Điều đặc biệt có thể nhận thấy, lễ trao giải không chỉ có những cây bút kỳ cựu mà xuất hiện rất nhiều gương mặt trẻ, nói như nhà thơ Trần Đăng Khoa, là “những tác giả thế hệ 4.0”. Nếu Đảo chìm Trường Sa may mắn là “bảo tàng” lưu giữ vẻ đẹp của Trường Sa những ngày còn gian khó thì việc xuất hiện của nhiều cây bút trẻ trong đề tài này minh chứng rõ ràng về trách nhiệm, ý thức của thế hệ kế tiếp. “Viết về biên giới, biển đảo tại thời điểm này rất khó vì những người đi trước đã khai thác nhiều. Song cái tài của các bạn trẻ là họ đã có cách tiếp cận mới, cách nhìn mới, tạo được những “cột mốc” thiêng liêng ở biên giới, hải đảo…”, nhà thơ Trần Đăng Khoa chia sẻ.

Nhấn mạnh giá trị và đóng góp to lớn của những tác phẩm được giải viết về biên giới, biển đảo nói riêng, sáng tác văn học nói chung, lãnh đạo Hội Nhà văn Việt Nam chia sẻ, dù giải thưởng chưa bao quát hết tất cả tác phẩm về đề tài này, nhưng các tác phẩm được vinh danh trong cuộc thi đợt 1 đều xứng đáng bởi đã được xuất bản khá lâu và bạn đọc đã có thời gian kiểm chứng, đánh giá. Chắc chắn còn nhiều tác phẩm khuất lấp ở đâu đó và khi tổ chức giải thưởng lần thứ 2, sẽ có nhiều tác phẩm hơn, mang hơi thở đương đại viết về chủ quyền biển đảo thiêng liêng.

Tin cùng chuyên mục