Sự trỗi dậy của các công ty luật Trung Quốc

Trong bối cảnh đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt mức thấp kỷ lục trong quý từ tháng 4 đến tháng 6, hoạt động thương mại xuyên biên giới chững lại, một số công ty luật quốc tế buộc phải sa thải nhiều nhân sự hoặc rút khỏi Trung Quốc trong năm nay.

Cũng do các đối thủ nước ngoài phải cắt giảm hoạt động tại Trung Quốc, các công ty luật trong nước có đà chiếm lĩnh lại thị trường nội địa và thậm chí đang mở rộng ra ngoài đại lục. Các khách hàng nhỏ như doanh nghiệp tư nhân, thường bị hạn chế về tài chính, cũng chủ động tìm đến các công ty luật Trung Quốc có chi phí rẻ hơn đáng kể so với các công ty luật quốc tế khác.

Ông Matthew Kim, người đang chỉ đạo thực hiện chiến lược mở rộng công ty luật Trung Quốc Jingsh, có trụ sở tại Bắc Kinh, sang Seoul, Tokyo và Triều Tiên, cho biết: “Trong môi trường toàn cầu hiện nay, chúng tôi nhận thấy khách hàng Trung Quốc cảm thấy thoải mái hơn khi làm việc với những người nói cùng một ngôn ngữ”. Thêm một điểm cộng cho các công ty luật Trung Quốc là căng thẳng địa chính trị cũng khiến khách hàng Trung Quốc có xu hướng làm việc với các công ty luật trong nước, những công ty có tư duy tương tự, bên cạnh cùng ngôn ngữ.

Công ty Luật Jingsh công bố quyết định thành lập chi nhánh ở Bình Nhưỡng. Ảnh: BNN BREAKING
Công ty Luật Jingsh công bố quyết định thành lập chi nhánh ở Bình Nhưỡng. Ảnh: BNN BREAKING

Nhu cầu về dịch vụ pháp lý theo sau các dòng vốn đến - đi từ đại lục luôn diễn ra một cách tự nhiên. Trong những năm 2000, các công ty luật nước ngoài, chủ yếu là phương Tây, đã tận dụng những cơ hội đó để phục vụ khách hàng đầu tư vào Trung Quốc. Nhưng khi hướng của dòng vốn thay đổi và đầu tư ra nước ngoài của Trung Quốc tăng song song với chương trình xây dựng cơ sở hạ tầng Vành đai và Con đường của chính phủ, các công ty luật Trung Quốc đã đi theo dòng tiền.

Công ty Tư vấn luật Yingke có trụ sở tại Bắc Kinh đã mở chi nhánh tại Việt Nam vào tháng trước, Công ty Allbright thành lập văn phòng ở Tokyo vào tháng 3 và ở Singapore vào tháng 5-2022. Công ty luật Zhong Lun có trụ sở tại Hồng Công cũng sắp thành lập văn phòng tại Singapore... Dữ liệu từ Bộ Tư pháp Trung Quốc cho biết, số lượng văn phòng đại diện của các công ty Trung Quốc ở nước ngoài đã tăng từ 122 công ty năm 2018 lên 180 công ty vào năm 2022. Năm 2017, có 207 luật sư được đào tạo tại Trung Quốc làm việc ở Hồng Công, trong khi các công ty luật của Trung Quốc đại lục chiếm 30% số công ty luật trong thành phố. Những con số đó đã tăng lên lần lượt là 317 và 38%.

Vị thế toàn cầu của Trung Quốc đã tăng lên trong thập kỷ qua. Xu hướng này phản ánh ngành luật Trung Quốc ngày càng trưởng thành, với số lượng chuyên gia pháp lý ngày càng tăng. Việc thuê các chuyên gia từ đối tác phương Tây đã cho phép các công ty luật Trung Quốc nhanh chóng mở rộng dịch vụ pháp chế và kiến thức luật. 6 trong số 10 công ty luật hàng đầu thế giới tính theo số lượng nhân viên là người Trung Quốc, theo bảng xếp hạng Global 200 năm 2022 của Law.com. Đây cũng là dấu hiệu cho thấy những cơn gió ngược mà các đối thủ quốc tế vốn có truyền thống thống trị châu Á đang phải đối mặt.

Giáo sư Sida Liu, đồng tác giả với Anson Au, viết: “Cánh cổng dẫn tới Trung Quốc toàn cầu: Hồng Công và tương lai của các công ty luật Trung Quốc”, dự đoán trong vòng 3-5 năm tới, sẽ thấy nhiều công ty Trung Quốc mở rộng trong khu vực châu Á hơn là trên toàn cầu.

Tin cùng chuyên mục