Sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc kinh tế

Cuộc bầu cử của Anh, sự chia rẽ của khối thương mại châu Âu… đã mở màn cho sự trỗi dậy mạnh mẽ nhất của chủ nghĩa dân tộc kinh tế. 
Cảng Dover - cầu nối giao thương của Anh với Liên minh châu Âu
Cảng Dover - cầu nối giao thương của Anh với Liên minh châu Âu

Trong thông điệp chúc mừng chiến thắng áp đảo của đảng Bảo thủ trong cuộc tổng tuyển cử vừa diễn ra tại Anh, Mỹ khẳng định sẵn sàng tìm kiếm một thỏa thuận thương mại tự do với Anh khi quốc gia này rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) - hay còn gọi là Brexit. Trong khi đó, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, cảnh báo Anh chống lại cạnh tranh không công bằng với Liên minh châu Âu (EU) hậu Brexit.

Chiến thắng của lợi ích quốc gia

Kết quả cuộc tổng tuyển cử ngày 12-12 tại Anh mang về chiến thắng thuyết phục cho đảng Bảo thủ cầm quyền khi đảng này giành được 364/650 ghế tại Hạ viện. Đây là chiến thắng ấn tượng nhất trong lịch sử tranh cử của đảng Bảo thủ kể từ năm 1987 và cũng là chiến thắng mang tính quyết định đối với Brexit.

Ngay sau khi kết quả chính thức được công bố, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã gửi lời chúc mừng Thủ tướng Boris Johnson và cho rằng chiến thắng của “đồng minh” Anh là một sự báo hiệu cho cơ hội chiến thắng của ông trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2020. Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump nhiều lần bày tỏ mong muốn đạt được một thỏa thuận thương mại tự do với Anh, ủng hộ Anh tách khỏi EU để tự quyết định các vấn đề quốc gia.

Mỹ cam kết theo đuổi chương trình nghị sự toàn cầu chung giữa Mỹ và Anh, bao gồm việc mở rộng mối quan hệ kinh tế đầy tiềm năng giữa hai bên bằng cách tiến tới một thỏa thuận thương mại tự do toàn diện sau khi Anh chính thức rút khỏi EU.

Báo New York Times ngày 13-12 có bài nhận định, chiến thắng của đảng Bảo thủ cầm quyền Anh là dấu hiệu khẳng định “lợi ích quốc gia là trên hết và toàn cầu hóa đang bị hoài nghi”. Quan niệm cho rằng hội nhập kinh tế toàn cầu đối với sự tiến bộ của con người đã có một bước tiến tốt, chi phối suy nghĩ của các cường quốc trong hơn 7 thập kỷ qua. Tuy nhiên, một kỷ nguyên mới đang diễn ra, trong đó lợi ích quốc gia với các thỏa thuận thương mại được đàm phán giữa các quốc gia riêng lẻ chiếm ưu thế hơn các mối quan tâm tập thể.

Thử thách của Anh

 Về phần mình, đảng Bảo thủ của Thủ tướng Boris Johnson cũng đã có chiến dịch vận động về một cam kết nhằm sớm đạt được một thỏa thuận với Washington để có được sự thúc đẩy phát triển kinh tế khi mất đi thị trường rộng lớn EU.

Sự gia tăng chủ nghĩa dân tộc kinh tế do Brexit, những chính sách thương mại của Tổng thống Mỹ đã tạo ra mối đe dọa lớn nhất đối với sự tăng trưởng của các doanh nghiệp. Ở Italy, Pháp và Đức đã nổi lên phong trào phản đối Brexit của các nghiệp đoàn như một mối đe dọa đối với sinh kế của người lao động. Cùng ngày 13-12, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng cảnh báo Anh chống lại cạnh tranh không công bằng với EU hậu Brexit giữa lúc có những quan ngại cho rằng London sẽ tìm cách giảm thuế và nới lỏng các quy định sau Brexit.

Cuộc bầu cử của Anh, sự chia rẽ của khối thương mại châu Âu… đã mở màn cho sự trỗi dậy mạnh mẽ nhất của chủ nghĩa dân tộc kinh tế. Một minh chứng rõ ràng nhất là sau các cuộc thảo luận kéo dài gần 2 năm, Mỹ đã đồng ý hoãn đánh thuế bổ sung đối với 160 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc dự kiến từ ngày 15-12 và hạn chế một số mức thuế đã được áp trước đó.

Trước đó, thỏa thuận bổ sung Hiệp định Thương mại Mỹ, Mexico và Canada (gọi tắt là USMCA) vừa được ba bên ký kết. Động thái này được đánh giá là “cú hích” quan trọng, khép lại tiến trình đàm phán căng thẳng hơn 2 năm qua, mở đường để Quốc hội ba nước phê chuẩn văn kiện về thương mại tự do có giá trị khổng lồ tại khu vực Bắc Mỹ. Các bên đều thấy rõ lợi ích kinh tế to lớn mà USMCA mang lại nếu được thông qua.

Điều này cũng ngầm được hiểu là nước Anh sắp tới, khi rời khỏi EU, sẽ bắt đầu một chiến lược mới nhằm đảm bảo các thỏa thuận thương mại song phương với các nền kinh tế lớn với Mỹ, Trung Quốc, Australia và Ấn Độ.

Tin cùng chuyên mục