Vừa qua, chị Phạm Kiều Giang (ngụ tại 64/13 Âu Dương Lân, phường 3, quận 8, TPHCM) đã gửi thắc mắc đến CLB Chống hàng giả và Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Báo SGGP trình bày lo lắng về sức khỏe của người cha (92 tuổi) đang dùng “Sữa bột nguyên kem uống liền” do Công ty TNHH Thực phẩm - Nước Giải khát Dutch Lady Việt Nam (Dutch Lady VN) sản xuất. Theo chị Giang, loại sữa bột này có hàm lượng đường quá cao (gần 50%) trong mỗi hộp sữa dẫn đến nguy cơ gây bệnh tiểu đường mà nhà sản xuất không hề đưa ra một lời khuyến cáo nào. Ngoài ra, “trong khi giá đường chỉ có 1.400 đồng/100gr mà Dutch Lady VN lại bán với giá 48.000 đồng/hộp sữa (loại 400gr - thật là một giá cắt cổ người tiêu dùng” - chị Giang cho biết.
Về sự việc này, bác sĩ Nguyễn Trí Hùng, Trưởng Bộ phận Dinh dưỡng và ông Trần Quốc Huân, Giám đốc Tiếp thị Thương mại Dutch Lady VN đã có văn bản trả lời như sau: Trong bảng thành phần dinh dưỡng được in trên bao bì thì chất đường chiếm 48g trong 100g bột sữa. Theo ngôn ngữ Việt Nam, khi nói đến chất đường, người ta nghĩ đến là đường mía hay còn gọi là sucrose. Nhưng theo định nghĩa khoa học thì chất đường hay còn gọi là carbohydrate là thuật ngữ chỉ tất cả loại đường như sucrose (đường mía), lastose (đường sữa), fructose (đường từ các loại trái cây)…
Chất đường được công bố trong bảng thành phần sữa bột nguyên kem uống liền Cô Gái Hà Lan bao gồm 30g đường lactose và 18g đường sucrose. Lactose là thành phần đường tự nhiên sẵn trong sữa, có độ ngọt thấp, chỉ bằng 1/3 độ ngọt của đường sucrose, 18g đường sucrose được cho vào trong hộp sữa để tạo độ ngọt dễ uống. Như vậy, khách hàng có thể yên tâm vì phần lớn chất đường trong thành phẩm này là đường tự nhiên trong sữa. Thành phần dinh dưỡng của sản phẩm sữa bột nguyên kem uống liền Cô Gái Hà Lan cũng đã được công ty đăng ký tại Cục Vệ sinh An toàn Thực phẩm (thuộc Bộ Y tế).
Ngoài ra, bác sĩ Nguyễn Trí Hùng, Trưởng Bộ phận Dinh dưỡng Dutch Lady VN cũng khẳng định: “Đường không phải là nguyên nhân trực tiếp gây ra bệnh tiểu đường”. Tiểu đường là một hình thức rối loạn chuyển hóa đường trong cơ thể khiến lượng đường trong máu tăng cao và một phần khác bị đào thải ra ngoài qua nước tiểu. Bệnh tiểu đường xảy ra khi cơ thể không sản xuất hay sản xuất không đủ chất insuline, hoặc sản xuất đủ nhưng không hoạt động bình thường. Chất insuline là một loại kích thích tố (hormone) có nhiệm vụ hộ tống các chất đường đi vào bên trong tế bào. Khi vắng mặt chất này, chất đường không thể vào bên trong các tế bào, và vì thế, đường phải được thải ra ngoài đường tiểu, khi ấy con người cảm thấy mệt mỏi, khát nước và giảm cân.
ANH TRINH