Sửa đổi để hoàn thiện

Với tuổi thọ chỉ gần 7 năm, Luật Dược 2016 đã phát sinh nhiều vấn đề lớn nên cần phải sửa luật, nhưng việc chỉnh sửa cần hướng đến hiệu quả và đáp ứng nhu cầu cuộc sống, chứ sửa “chắp vá” thì không có ý nghĩa.

Không phủ nhận nhiều năm qua, ngành dược Việt Nam đã gặt hái những thành công lớn, nhiều nhà máy được thành lập và chất lượng các nhà máy dược cũng tăng lên, được chuẩn hóa tiêu chuẩn rất sớm nhằm xâm nhập thị trường những nước tiên tiến. Bên cạnh đó, ngành dược có những phát triển trong phân phối thuốc. Nếu như trước đây chỉ có lèo tèo một số hiệu thuốc và phải sử dụng thuốc xách tay, thuốc phi mậu dịch, ít nhập khẩu thuốc chính thức, thì nay không chỉ nhập khẩu thuốc chính thức, ngành dược còn có thể tiếp cận sớm những loại thuốc mới của thế giới.

Tuy nhiên, lĩnh vực dược nước nhà vẫn còn một số tồn tại và thách thức lớn. Chúng ta có tiến bộ, nhưng đó là so với mấy chục năm trước đây, chứ so với thế giới vẫn tụt hậu. Hơn 20 năm qua, ngành sản xuất dược của Việt Nam vẫn chỉ được xếp hạng ở cấp độ 3.5/5 theo chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới. Nghĩa là mới dừng lại ở mức đáp ứng được nhu cầu thuốc generic (thuốc hết bản quyền và được quyền sản xuất), không sản xuất được nguyên liệu dược, không làm được thuốc mới hay thuốc phát minh.

Trong khi đó, việc cấp số đăng ký thuốc vẫn là vấn đề lớn lâu nay vì có tình trạng “xếp hàng”... chờ. Mà khi “xếp hàng” thì dễ nảy sinh tiêu cực. Và chỉ cần một tác động khách quan bên ngoài, chẳng hạn trong dịch bệnh vừa qua - khi các nước ngưng sản xuất thuốc, thì chúng ta không có thuốc sử dụng. Chúng ta chưa có chủ trương rõ ràng về cấp số đăng ký thuốc.

Đối với nhóm thuốc mà trong nước không sản xuất được, tức là thuốc biệt dược, không nên mất nhiều thời gian cho việc đăng ký lại nhóm thuốc này, bởi chúng đã được thông qua tại các nước phát triển. Cũng không cần đấu thầu biệt dược, vì mỗi loại thuốc chỉ có một hãng sản xuất và giá thuốc do hãng quyết định. Thay vào đó, nên phát huy cơ chế đàm phán giá thông qua Bộ Y tế hay Sở Y tế để có một giá chung cũng như bảo đảm cung ứng thuốc đầy đủ; ổn định cung mới ổn định được giá. Cung cầu gặp nhau mới hạn chế được cơ chế xin - cho. Đối với nhóm thuốc generic (gồm thuốc ngoại nhập và thuốc trong nước sản xuất được), không có chủ trương hạn chế nhập khẩu vì trong nước hoàn toàn làm được.

Thị trường dược phẩm của chúng ta không lớn, nhưng thuốc generic lại tràn lan và có nhiều nguồn gốc khác nhau. Từ năm 2016 đến nay, số nhà máy dược trong nước tăng từ 168 lên 237 là điều hay nhưng cũng là điều dở. Liệu có cần nhiều nhà máy như thế không? Nhiều người cùng kinh doanh thì dễ nảy sinh cạnh tranh không lành mạnh. Về lâu dài, điều này gây hại cho nền công nghiệp dược vì chúng ta không khuyến khích được những nhà sản xuất bền vững, chân chính.

Tin cùng chuyên mục