
Nhiều quy định trong Luật Thanh tra năm 2004 chỉ sau hơn 1 năm thực hiện, đã bộc lộ những hạn chế, bất cập so với yêu cầu thực tiễn, làm giảm hiệu lực, hiệu quả hoạt động thanh tra” – Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Mai Quốc Bình nhận định tại Hội thảo góp ý Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thanh tra (Dự thảo luật) được tổ chức tại TPHCM mới đây.
Để đối tượng thanh tra không thể “lách luật”

Vụ xây dựng sai phép tại cao ốc 13 bis Kỳ Đồng Q3 TPHCM đã được Thanh tra TP kết luận, đề nghị xử lý, song gần 2 năm nay vẫn không được chấp hành. Ảnh: CTV
Tại hội thảo, nhiều đại biểu là lãnh đạo cơ quan thanh tra các tỉnh, thành khu vực phía Nam đều yêu cầu phải sửa đổi Điều 44 Luật Thanh tra vì nhiều khoản ở điều này trong thực tế không được thực hiện nghiêm.
Đơn cử, tại khoản 1 quy định: “Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày có kết luận thanh tra, thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp có trách nhiệm xem xét, kết luận thanh tra và xử lý đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân sai phạm…”.
Quy định là vậy, song trên thực tế phần lớn bản kết luận thanh tra đều bị “ngâm” vài tháng, thậm chí có trường hợp vài năm sau mới được đưa ra xem xét, kết luận. Quy định này được Dự thảo luật sửa lại: “Chậm nhất là 15 ngày kể từ ngày nhận được kết luận thanh tra, thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp có trách nhiệm xử lý hành chính, xử lý kỷ luật, quyết định thu hồi tài sản theo kiến nghị ghi trong kết luận thanh tra…”.
Theo Phó Chánh Thanh tra TPHCM Hoàng Đức Long, ở khoản này không cần thiết phải quy định về thời gian và cũng không nên “đẩy” trách nhiệm xử lý sau thanh tra cho thủ trưởng cơ quan quản lý cùng cấp. Vì sửa như vậy, vẫn còn hàm ý xác định bản kết luận thanh tra không phải là văn bản cuối cùng có giá trị pháp lý. Ông Long kiến nghị, tại khoản này chỉ cần nói: “Kết luận thanh tra phải có giá trị thực hiện, người ký quyết định thanh tra phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung kết luận thanh tra” - là đủ rồi.
Tại quy định về quyền hạn của trưởng đoàn thanh tra, ông Tấn Đông, Phó Chánh Thanh tra tỉnh Đồng Tháp cho biết: “Luật Thanh tra quy định trưởng đoàn thanh tra được quyền ra quyết định xử lý tài sản, đình chỉ các hoạt động của đối tượng thanh tra… Thế nhưng, các văn bản này chỉ ký tên mà không được đóng dấu cơ quan thanh tra là không có giá trị pháp lý.
Ông Đông kiến nghị, Dự thảo luật cần bổ sung quyền cho trưởng đoàn thanh tra ngoài việc được ký tên đóng dấu cơ quan thanh tra, còn được quyền tự chủ về tài chính, quyền trưng tập, xử lý những thanh tra viên trong đoàn thanh tra có sai phạm.
Cũng theo ông Đông, Điều 28 của Luật Thanh tra và Dự thảo luật quy định nhiệm vụ, quyền hạn của thanh tra sở ngành đều cho phép được xử phạt vi phạm hành chính đối với đối tượng thanh tra có sai phạm. Trong khi đó, thanh tra lĩnh vực hành chính chỉ có quyền kiến nghị, mà không được ra quyết định xử phạt.
Điều này dẫn đến trong thực tế, nhiều đối tượng thanh tra “lách luật” bằng cách đề nghị chuyển vụ việc sang thanh tra hành chính, thay vì thanh tra theo chuyên ngành. Vụ việc nếu có bị phát hiện sai phạm cũng “nhẹ” hơn là thanh tra chuyên ngành xử “nóng”, sau đó còn bị đề nghị xử “nguội”. Từ đó, ông Đông đề nghị sửa luật theo hướng tăng quyền xử phạt vi phạm hành chính cho thanh tra hành chính như thanh tra chuyên ngành.
Thanh tra cấp huyện: Không hạn chế quyền được “chọn người”
Về quy định ủy quyền thanh tra của thanh tra cấp trên, theo ông Phạm Hồng Đức, Chánh Thanh tra tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, quy định của Luật Thanh tra cho phép thanh tra cấp trên ủy quyền cho thanh tra cấp dưới tiến hành thanh tra vụ việc, nhưng lại không ủy quyền được ký kết luận thanh tra là chưa phù hợp. Do vậy, ông Đức đề nghị Dự thảo luật cần sửa điều này theo hướng tăng thẩm quyền nhiều hơn cho thanh tra cấp dưới khi được thanh tra cấp trên ủy quyền.
Hay Luật Thanh tra không cho quyền thanh tra cấp huyện được trưng tập cán bộ thanh tra là bất hợp lý, cần được sửa đổi vì như ông Đức nói, thanh tra cấp huyện hiện chỉ biên chế 5 đến 6 người thì không cùng một lúc triển khai nhiều đoàn thanh tra được. Muốn bổ sung cán bộ thanh tra, chỉ có thanh tra cấp tỉnh mới được quyền trưng tập, dẫn đến chậm về thời gian và hạn chế quyền được “chọn người” của thanh tra cấp huyện.
Cũng liên quan đến nhiệm vụ và quyền hạn của cơ quan thanh tra, Chánh Thanh tra TP Đà Nẵng, ông Phan Thanh Truyền, kiến nghị: “Cần mở rộng quyền hạn của thanh tra đối với việc thanh tra các cơ quan đoàn thể có sử dụng ngân sách Nhà nước vì từ trước đến nay, lĩnh vực này đều giao cho cơ quan kiểm tra của tổ chức đoàn thể đảm nhận. Điều này, dẫn đến nhiều sai phạm trong chi tiêu, sử dụng ngân sách Nhà nước của các cơ quan đoàn thể thời gian qua chậm được phát hiện, xử lý”.
Đề cập đến chủ trương cho TPHCM được áp dụng thí điểm thành lập thanh tra xây dựng quận-huyện và thanh tra xây dựng phường-xã theo Quyết định 89/2007/QĐ-TTg ngày 18-6-2007 của Thủ tướng Chính phủ, theo Phó Chánh Thanh tra TPHCM Hoàng Đức Long, cần được xem lại để bổ sung cho Dự thảo luật lần này. Sau hơn 1 năm đi vào hoạt động, chỉ riêng lực lượng thanh tra xây dựng phường-xã ở TPHCM đã lên đến hơn 1.000 người. Người đông nhưng lực lượng này đều “mới tuyển” và chưa được hướng dẫn nghiệp vụ về thanh tra và xây dựng.
Từ đó, dẫn đến không hiểu luật và dễ làm sai, kể cả có tiêu cực khi giải quyết các vấn đề về xây dựng, đất đai. Mặt khác, theo quy định của Luật Thanh tra, chỉ có thanh tra viên được Nhà nước bổ nhiệm mới có quyền ký quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Trên thực tế thì phần lớn thanh tra xây dựng quận-huyện và thanh tra xây dựng phường-xã đều “tay ngang”, nhưng vẫn được “xử tốt”…
Hoài Nam