
Năm tài chính 2014 đã qua gần một nửa chặng đường, song doanh thu tại nhiều doanh nghiệp (DN) không đạt được những con số mong đợi. Trong khi đó, từ nay đến cuối năm, các DN vẫn chưa thấy cơ hội thực sự để kích cầu tiêu dùng. Năm 2014 có thể sẽ là năm khó hoàn thành các chỉ tiêu kinh doanh.

Người tiêu dùng cũng đắn đo khi chọn mua thực phẩm thiết yếu. Ảnh: CAO THĂNG
Mãi lực yếu
Ông Phạm Quốc Hùng, Phó Văn phòng đại diện tại TPHCM của Công ty cổ phần Thực phẩm Bích Chi cho biết, tính đến hết tháng 4-2014, doanh thu của công ty đã giảm đáng kể so với cùng kỳ năm 2013. Sản phẩm xuất khẩu sang các thị trường truyền thống trong những tháng đầu năm đang chựng lại, thậm chí tại một số thị trường trong khu vực Đông Nam Á đã giảm tới 30%. “Sức mua không tăng khiến chúng tôi không còn tự tin để đầu tư, phát triển thêm những dòng sản phẩm mới” - ông Phạm Quốc Hùng nói.
Trưởng phòng kinh doanh thực phẩm chế biến của một DN chuyên sản xuất và kinh doanh các mặt hàng thịt gia súc tươi sống và thực phẩm chế biến hàng đầu tại TPHCM cũng thừa nhận, sức mua trên thị trường quá yếu, dẫn đến doanh thu 4 tháng đầu năm giảm 5%, trong khi cùng kỳ những năm trước vẫn duy trì tốc độ tăng bình quân từ 10% - 15%. Nếu DN không đẩy mạnh thực hiện các chương trình khuyến mãi, giảm giá với chi phí lên đến hàng tỷ đồng thì mức giảm sẽ không dừng lại ở 5%.
Dù không đưa ra những con số chính thức, song giám đốc kinh doanh của một hệ thống siêu thị lớn không giấu được sự lo lắng về sức mua đang rất trầm lắng. “Đang vào cao điểm mua sắm nhưng siêu thị vẫn vắng khách, cho dù chúng tôi đang khuyến mãi giảm tới 30% đối với nhiều mặt hàng tươi sống vào 2 thời điểm “vàng” trong ngày, buổi sáng từ 9 - 11 giờ và chiều từ 16 - 18 giờ” - vị giám đốc kinh doanh thở dài nói. Thực trạng này cũng đang diễn ra tại nhiều loại hình kinh doanh khác, đặc biệt ở các chợ truyền thống. Đại diện tiểu thương ngành hàng quần áo, vải sợi tại chợ An Đông, chợ Bà Chiểu cho biết, mãi lực quá yếu, trong khi chi phí không giảm, gây nhiều khó khăn cho tiểu thương. Ông Nguyễn Tiến Dũng, Phó Giám đốc Công ty Quản lý và kinh doanh chợ đầu mối nông sản Hóc Môn, cũng cho rằng, tuy lượng hàng hóa về chợ rất dồi dào và ổn định nhưng sức mua chậm nên nhiều tiểu thương phải kéo dài thời gian bán hàng so với trước.
Tập trung vào giá trị cốt lõi
Theo các chuyên gia, những tháng đầu năm 2014 mặc dù kinh tế đã có những chuyển biến tích cực và rõ nét hơn nhưng sức cầu của nền kinh tế vẫn còn yếu và hồi phục chậm. Riêng ngành thực phẩm vẫn chưa có dấu hiệu ổn định do tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm vẫn còn nguy cơ tiềm tàng. Việc tái đàn trong chăn nuôi chưa diễn ra mạnh mẽ, dẫn đến nguồn cung ứng và giá cả đang có nhiều biến động. Bên cạnh đó, chi phí đầu vào tiếp tục tăng như nguyên phụ liệu nhập khẩu, điện, nước, xăng, dầu, gas, đặc biệt là chi phí vận chuyển tăng khá cao đã đẩy giá thành sản phẩm tăng, làm giảm hiệu quả kinh doanh của nhiều DN. Trước thực trạng này, các DN đã tự rà soát lại năng lực của chính mình, tìm những giải pháp xây dựng chiến lược riêng, phù hợp để phát triển. Ông Văn Đức Mười, Chủ tịch Hội Lương thực - Thực phẩm TPHCM, cho biết, những năm trước đây DN quay quắt vì thiếu vốn, còn gần đây nguồn vốn đã được nới lỏng nhưng DN vẫn không dám vay vì nhiều lý do. “Kinh tế càng khó khăn thì DN càng phải nỗ lực để đưa ra thị trường những sản phẩm mới. Nhưng với thực tế này, các DN trong ngành lương thực, thực phẩm không dám mạo hiểm đầu tư vì rất rủi ro. Để tồn tại, hầu hết các DN xác định phải tự cơ cấu lại hoạt động sản xuất, kinh doanh, tập trung vào những sản phẩm cốt lõi nhất” - ông Mười nói.
Đẩy mạnh việc đưa hàng hóa ra hệ thống phân phối, đến các vùng miền nông thôn cũng đang được các DN áp dụng triệt để. Giám đốc kinh doanh của một DN chuyên về giày dép tại TPHCM cho biết, những năm gần đây, xuất khẩu gặp nhiều khó khăn, kim ngạch liên tục giảm sút, may mà công ty đã chuyển hướng sớm, quay về với thị trường nội địa. Nhờ có sự đầu tư bài bản, tìm hiểu kỹ nhu cầu tiêu dùng nên tăng trưởng doanh thu vẫn khả quan. Trên thực tế, tăng trưởng doanh thu không gắn liền với lợi nhuận, vì công ty chỉ mong tìm được đầu ra cho sản xuất, duy trì hoạt động. Ông Nguyễn Trí Kiên, Giám đốc Công ty TNHH May túi xách Minh Tiến (Miti) cũng cho rằng, để bán được hàng trong năm nay, công ty đã cơ cấu lại toàn bộ hoạt động sản xuất kinh doanh, bằng mọi cách phải ổn định giá bán ngang bằng với năm ngoái, cho dù giá nguyên liệu đầu vào đã tăng từ 15% - 20%. Để làm được việc này, DN phải tăng dự trữ nguyên liệu ngay từ đầu năm, đồng thời đầu tư hiện đại hóa dây chuyền công nghệ nhằm kiểm soát tốt hao hụt nguyên liệu, giảm nhân công, tiến đến tăng năng suất lao động. Mặt khác, công ty còn đầu tư nghiên cứu, phát triển và đa dạng hóa mẫu mã sản phẩm.
Theo đánh giá của Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM, nội lực của các DN còn yếu về nhiều mặt như vốn, năng lực quản trị DN và dây chuyền công nghệ. Vì vậy, sản phẩm làm ra chưa có tính cạnh tranh cao, không theo kịp thị trường. Trong bối cảnh hiện nay, các DN cùng ngành nghề nên có một đầu mối đứng ra xây dựng chuỗi liên kết, hỗ trợ nhau từng khâu trong sản xuất, thay vì mạnh ai nấy làm như hiện nay mới phát triển bền vững được. Nếu các DN không tạo nên tiềm lực thực sự và khả năng cạnh tranh lành mạnh ngay từ bây giờ, đến năm 2015 khi Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) được ký kết, hàng rào thuế quan của nhiều mặt hàng được gỡ bỏ thì việc cạnh tranh sẽ khốc liệt hơn. Do đó, ngay từ bây giờ, ngoài việc tận dụng những chính sách ưu đãi của nhà nước, các DN phải quyết tâm tự tìm giải pháp xây dựng chiến lược riêng cho mình để phát triển bền vững và hiệu quả.
| |
THÚY HẢI