Sức mua hàng hóa dịp tết tăng 10%-15%

Mặc dù chưa có con số chính thức từ các cơ quan chức năng về tăng trưởng doanh thu chung trên thị trường TPHCM trong mùa Tết Ất Mùi nhưng ghi nhận từ thực tế của PV Báo SGGP cho thấy, doanh thu tại một số hệ thống siêu thị, cửa hàng đạt mức tăng bình quân từ 10%-15% so với mùa tết năm 2014

Mặc dù chưa có con số chính thức từ các cơ quan chức năng về tăng trưởng doanh thu chung trên thị trường TPHCM trong mùa Tết Ất Mùi nhưng ghi nhận từ thực tế của PV Báo SGGP cho thấy, doanh thu tại một số hệ thống siêu thị, cửa hàng đạt mức tăng bình quân từ 10%-15% so với mùa tết năm 2014. Theo các doanh nghiệp, đây là mức tăng không cao nhưng chấp nhận được so với mặt bằng sức mua chung trên thị trường hiện nay.

Khác với năm 2014, năm nay người tiêu dùng mua sắm tết khá muộn, sức mua chỉ thực sự tăng vào tuần cuối cùng của mùa kinh doanh tết. Tại các siêu thị như Co.opMart, Big C, cửa hàng Vissan, Citimart, Maximark, Aeon, Lotte Mart… từ ngày 4 đến 10-2, mãi lực đạt mức tăng bình quân 2 - 3 lần so với ngày thường. Đặc biệt, trong tuần giáp tết, sức mua tiếp tục tăng khá, một số siêu thị đạt mức tăng 3-5 lần so với ngày thường, chủ yếu tập trung vào các mặt hàng thịt gia súc, trứng vịt, thịt gà và một số loại trái cây chưng tết.

Nhìn nhận về sức mua trong dịp Tết Nguyên đán Ất Mùi, đại diện nhiều hệ thống siêu thị cho biết, sức mua trong mùa kinh doanh tết năm nay tăng bình quân 10%-15%. Một vài hệ thống siêu thị, cửa hàng, sức mua chỉ tăng mức 5%. Một số doanh nghiệp bình ổn cũng cho rằng, sức mua năm nay chỉ tăng nhẹ hoặc giữ ngang mức doanh thu của mùa tết năm ngoái đã là thành công.

Do có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, hàng hóa cung cấp có chất lượng và có thương hiệu, chính sách giá ổn định, kết hợp các chương trình khuyến mãi, giảm giá trên nhiều mặt hàng, nên các siêu thị đã thu hút được một lượng lớn khách hàng đến mua sắm. Trước đó, các siêu thị đã thực hiện khuyến mãi giảm giá 10% - 50% trên hàng ngàn mặt hàng. Nhiều siêu thị cũng đã tổ chức kéo dài thời gian bán hàng thêm từ 4 -5 giờ/ngày tết để đáp ứng nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng.

Riêng khu vực các chợ truyền thống, từ ngày 4-2 đến 10-2, sức mua tăng từ 10% - 20% so với ngày thường. Từ ngày 15-2 đến ngày 18-2, lượng khách đến chợ bắt đầu đông, sức mua tăng 30% - 40% so với ngày thường. Tại một số chợ tại khu vực trung tâm, sức mua tăng 50% - 60% so với ngày thường.

Theo lý giải của nhiều doanh nghiệp, sức mua năm nay tăng chậm là do kinh tế khó khăn, người tiêu dùng vẫn trong xu hướng tiết kiệm chi tiêu. Mặt khác, do thời gian nghỉ tết kéo dài, công nhân lao động về quê, người dân TP có kế hoạch đi chơi xa nên ít mua sắm dự trữ. Ngay từ mùng 2 Tết, tại 3 chợ đầu mối và tại một số hệ thống siêu thị như Co.opmart, Lotte, siêu thị Sài Gòn, Centre Phạm Hùng, hệ thống cửa hàng tiện lợi Vissan, Satrafood,… cùng các chợ truyền thống đã mở cửa bán hàng nhưng lượng khách đến mua sắm không đông, sức mua thấp. Các hệ thống cửa hàng tiện lợi như Bs’Mart, Circle K, Shop&Go… vẫn mở cửa phục vụ 24/24 giờ, phục vụ nhu cầu mua sắm một số mặt hàng phục vụ tết của người dân như bia rượu, nước giải khát, bánh mứt, thực phẩm khô.

Nhìn chung, giá các mặt hàng thiết yếu trong 3 ngày qua trên địa bàn TPHCM tương đối ổn định. Vào thời điểm sáng 30 Tết, giá một số mặt hàng phục vụ tết bán tại các chợ như thịt gia súc, thịt gà, dưa leo, khổ qua, cải ngọt, xà lách, giá tăng 10% - 20%; mãng cầu, xoài cát, quýt đường, hoa huệ, hoa tươi… tăng 20% - 50% do tiểu thương giảm nhập hàng, sức mua tăng mạnh vào đầu phiên chợ khi lượng khách đến mua đông nhưng sau đó nhanh chóng giảm lại mức bình thường và hạ giá. Sau đó mùng 2 Tết, ghi nhận thực tế cho thấy, giá cả tất cả các loại hàng hóa tại siêu thị đầu năm không tăng so với cùng kỳ và tương đương giá bán ngày thường. Cụ thể, tại hệ thống Co.opmart, thịt bò các loại giá dao động từ 150.000 đồng/kg đến 300.000 đồng/kg; thịt gà ta khoảng 87.000 đồng/kg; các loại cá dao động mức 30.000 đồng/kg đến 120.000 đồng/kg... và các mặt hàng bình ổn vẫn niêm yết ở giá tốt hơn so với thị trường.

Ngay trong ngày khai trương đầu năm, các siêu thị cũng thực hiện nhiều chương trình khuyến mãi, trong đó hàng thực phẩm tươi sống có mức giảm bình quân 10%-20%; hàng phi thực phẩm giảm 5%-49%. Bên cạnh đó, siêu thị cũng có chương trình lì xì may mắn đầu năm vào các mùng 4, 5 và 6 để mang lại niềm vui, sự may mắn đầu năm cho khách hàng.

Tết năm 2015 cũng cho thấy, hàng Việt tiếp tục vươn lên chiếm lĩnh thị trường với khoảng 90%-95%.

THÚY HẢI

Tin cùng chuyên mục