Trong khi chủ trương xây dựng mạng lưới thư viện - phòng đọc sách cơ sở theo phương thức xã hội hóa tại một số thư viện ở địa phương mới bắt đầu được triển khai thì trong xã hội, có rất nhiều thư viện mang tính cộng đồng đã ra đời, nhanh chóng lan tỏa và bước đầu phát huy hiệu quả.
Cùng nhau góp sách
Có thể coi Thư viện xanh ở phường Long Thuận (quận 9) là mô hình thư viện xã hội hóa đầu tiên ở TPHCM. Được đặt trong ngôi nhà gỗ rộng hơn 300m², với không gian gần gũi với thiên nhiên, Thư viện xanh được khánh thành vào cuối tháng 5-2011, hiện có khoảng 5.000 đầu sách và trở thành thư viện vệ tinh của Thư viện Khoa học tổng hợp TPHCM. Một trong những tư liệu được chú ý của Thư viện xanh là bộ sưu tập 500 phim kinh điển của điện ảnh thế giới gồm các thể loại: hoạt hình, phiêu lưu, giáo dục, tâm lý, khoa học viễn tưởng và những bộ phim đoạt giải Oscar. Dù chỉ là một thư viện ở quận ngoại thành, Thư viện xanh đầu tư những thiết bị đọc sách nói cho trẻ khiếm thị, khu vực multimedia với hệ thống máy tính nối Internet để đọc sách, đồ chơi sáng tạo, đồ chơi thông minh, phòng chiếu phim… Tất cả nguồn sách, tư liệu, trang thiết bị của thư viện một phần là của nhà thiết kế Sĩ Hoàng, phần còn lại là đóng góp của các mạnh thường quân trong và ngoài nước.
Một thư viện hoạt động theo phương thức xã hội hóa đang tạo được sự chú ý là thư viện Sách100. Được thành lập từ tháng 7-2013 trang web http://sach100.vn và Facebook bắt đầu đi vào hoạt động, đến nay thư viện Sách100 đã có ba điểm đặt sách tại Hà Nội, Đà Nẵng và TPHCM với gần 1.000 đầu sách. Website của thư viện này đã có 450 thành viên. Anh Cấn Đình Việt, người sáng lập thư viện Sach100.vn cho biết, từ sở thích đọc sách của bản thân, anh nhận thấy nhiều người chưa tiếp cận được với sách tốt nên nảy ra ý định gây dựng một cộng đồng chia sẻ sách miễn phí với nhau. Ban đầu anh lấy tủ sách của chính mình, khoảng 500 - 700 đầu sách đưa vào hoạt động, về sau anh huy động được nhiều người tham gia góp sách nên chủng loại sách của thư viện ngày càng phong phú. Hiện tại, thư viện có đủ các loại sách kỹ năng, tiểu sử, phóng sự, hồi ký, văn học, triết học, báo chí, sách giáo dục, kinh doanh… Điểm đặc biệt của thư viện là khi mượn sách, người mượn được quyền lựa chọn phương thức đến lấy sách tại điểm đặt sách hoặc được giao sách tận nơi. Người mượn sách sẽ truy cập vào trang web của thư viện để đặt trước và sẽ không phải trả bất cứ khoản phí nào (kể cả tiền thế chân) nếu lựa chọn phương thức tự đến lấy sách ở điểm đặt sách. Thư viện Sách100 cũng cung cấp dịch vụ giao sách tận nơi và thuê các đơn vị vận chuyển chuyên nghiệp với mức phí hỗ trợ để giao sách. Anh Cấn Đình Việt cho biết thêm, thư viện Sách100 đang áp dụng những kinh nghiệm làm sách từ các mô hình của thế giới như Room to Read nhằm nâng cao khả năng lan tỏa, chia sẻ trong cộng đồng với những người yêu sách.
Tìm đường vượt khó
Cái khó của một thư viện hoạt động theo phương thức xã hội hóa chính là nguồn tài trợ và nhân lực. Hiểu rõ điều này, những người phụ trách Thư viện xanh luôn trăn trở với những kế hoạch làm “sống” lại thư viện, chứ không nghĩ đơn giản rằng thư viện chỉ cần có sách, có kệ là đủ. Ngoài việc tiếp tục bổ sung các đầu sách mới, Thư viện xanh còn chủ động liên hệ với Trung tâm Văn hóa quận 9, Phòng Giáo dục quận 9, các trường học lân cận… tổ chức những đợt đọc sách, vẽ tranh cho thiếu nhi tại thư viện nhằm thu hút độc giả và hình thành thói quen đọc sách cho thanh thiếu niên và cả người lớn trong khu vực. Đây là nét độc đáo nhất ở thư viện xã hội hóa này so với nhiều thư viện quận, huyện khác hiện nay.
Đối với thư viện Sách100, mặc dù có thế mạnh là thư viện điện tử, mức độ phủ sóng tương đối lớn, tuy nhiên do đây là mô hình hoạt động phi lợi nhuận, do cộng đồng cùng chung tay góp nên, vì thế các chủng loại sách còn hạn chế, chưa thỏa mãn được yêu cầu của số đông bạn đọc. Hiện nay, thư viện đang có kế hoạch xin tài trợ sách mới một cách có hệ thống từ các công ty sách. Nhân lực và tài chính cũng là bài toán đau đầu với Sách100, nhất là sau khi được càng nhiều người biết đến, số lượng yêu cầu mượn sách tăng vọt ở khắp nơi trên cả nước. Hiện tại internet và mạng xã hội giúp Sách100 rất nhiều trong việc vươn xa và tiếp cận với nhiều nguồn tài trợ hơn, phần đông là những người đã từng mượn sách của Sách100 khi có đủ điều kiện thì quay về tự nguyện quyên góp tủ sách của mình cho thư viện. Sách100 cũng tận dụng nguồn nhân lực từ các cộng tác viên là sinh viên hoặc thành viên mượn sách của thư viện.
Sách100 đang có kế hoạch tăng điểm đặt sách bằng cách mượn thêm nhiều quán cà phê ở các địa phương khác nhau. Thư viện sẽ tặng trước khoảng 20 - 30 cuốn cho một quán. Sau đó mỗi quán sẽ trở thành một điểm đặt và quyên góp sách mới. Theo định kỳ, nhân viên thư viện sẽ gom sách tập trung về kho, sau đó phân loại và gửi đi cho mọi người có nhu cầu mượn. Sách100 cũng xây dựng nhiều kế hoạch cho những chuyến đi đến các vùng sâu, vùng xa, vùng cao để tặng sách cho thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn. Năm 2013, Sách100 đã tặng sách cho thiếu nhi Lũng Cú (Đồng Văn) và đang hy vọng đẩy mạnh việc tặng sách thành một hoạt động dài hạn và định kỳ trong thời gian tới.
NGỌC UYỂN