
Vở kịch “Tả quân Lê Văn Duyệt” (tác giả Phạm Văn Quí), cuối cùng cũng đã diễn phúc khảo vào tối ngày 23-9 và công diễn từ tối 26-9-2008 tại rạp Công Nhân, quận 1 TPHCM.
Có thể nói, chưa khi nào đêm phúc khảo vở diễn ở rạp Công Nhân lại đông như hôm phúc khảo vở Tả quân Lê Văn Duyệt. Điều đó cho thấy, vở kịch lịch sử này đang được rất nhiều người chờ đợi. Có người chờ xem một nhà hát có ít diễn viên như Nhà hát Kịch TPHCM, làm thế nào xoay xở tập hợp được gần 100 diễn viên. Cánh báo chí và giới chuyên môn thì chờ đợi vở Tả quân Lê Văn Duyệt, được đầu tư kinh phí gần một tỷ đồng, qua bàn tay của đạo diễn - NSND Doãn Hoàng Giang, sẽ có điều gì hấp dẫn…
Sau hơn hai giờ dõi theo vở kịch, ai nấy đều cảm thấy hài lòng. Lâu rồi, trên sân khấu Nhà hát Kịch TPHCM mới xuất hiện một vở diễn được chăm chút kỹ lưỡng từ kịch bản đến dàn dựng, âm thanh, ánh sáng, trang phục… Chính sự trau chuốt này đã mang lại sức hấp dẫn cho vở kịch lịch sử Tả quân Lê Văn Duyệt. Trước khi vở diễn lên sàn tập, NSND Doãn Hoàng Giang từng tâm sự: “Qua vở diễn này, tôi muốn minh oan cho Tả quân Lê Văn Duyệt, một người lúc nào cũng yêu nước, hết lòng vì dân…”.

Quyền Linh (bìa phải) vai Tả quân Lê Văn Duyệt và Bảo Trí (bìa trái) vai Huỳnh Công Lý.
Những gì diễn ra trên sân khấu đúng như vậy. Hình ảnh của Lê Văn Duyệt được đạo diễn khắc họa rất rõ nét qua sự thể hiện của diễn viên Quyền Linh. Anh đã phả vào nhân vật Lê Văn Duyệt sự khẳng khái, trung thực của người dân Nam bộ. Người ta thấy được nét cương trực của vị Tổng trấn thành Gia Định qua từng cử chỉ, điệu bộ, ánh mắt và cả những lúc mềm yếu trước chuyện thầm kín “ái nam, ái nữ” của mình.
Sự cương trực của Lê Văn Duyệt đã mang lại niềm tin cho quân dân thành Gia Định, rằng rồi có ngày bọn quan lại tham lam, hà hiếp dân lành sẽ bị trừng trị. Chính vì thế, khi ông về Huế, dân chúng thành Gia Định vẫn tìm đến ông, khẩn thiết cầu xin ông trở lại đất Gia Định diệt trừ bọn cường quyền lộng hành.
Với sự trở lại lần thứ hai, dù biết khó khăn, nhưng vì dân, ông chấp nhận tất cả. Khi trở về mảnh đất mà mình từng cai quản, mang lại ấm no cho muôn dân, ông không thể nào tin nổi khi thấy những hình ảnh dân tình lầm than, đói rách, nạn cướp bóc khắp nơi… Bọn quan lại thì tranh nhau vơ vét, làm giàu cho riêng mình. Trớ trêu thay, người cầm đầu trong bọn quan lại hà hiếp dân lành lại chính là Phó tổng trấn thành Gia Định Huỳnh Công Lý – cha vợ của Vua Minh Mạng! Nhưng với Lê Văn Duyệt, trong công việc, việc xét xử, bài trừ gian ác, đem lại hạnh phúc cho dân thì không vị nể bất cứ ai…
Ngoài vai diễn Lê Văn Duyệt của Quyền Linh, còn có sự cố gắng rất lớn của các diễn viên Bảo Trí, Hoàng Duẩn, Anh Tuấn, Vũ Thanh, Mai Dũng… Trong mỗi vai diễn, các diễn viên đã gắng sức lột tả được tính cách của từng nhân vật. Đó là một Bảo Trí với Huỳnh Công Lý cậy quyền, cậy thế hà hiếp dân lành; một Vũ Thanh, Mai Dũng, Anh Tuấn là những tên quan lại nịnh nọt, đáng ghét; hay một Hoàng Duẩn với vai tướng cướp Chín Đước dữ dằn, chuyên lấy của cải của bọn quan lại tham ô chia cho dân nghèo…
Sự thành công của Tả quân Lê Văn Duyệt còn có sự đóng góp rất lớn của họa sĩ Sỹ Hoàng. Khi bắt tay vào thiết kế cả trăm bộ trang phục của các nhân vật, anh đã đến Huế tìm tài liệu, sử sách của thời kỳ nhà Nguyễn để có được “chất liệu” đúng nhất. Với anh, trang phục cho một vở kịch lịch sử không chỉ đẹp mà còn phải đúng.
Khi xem vở Tả quân Lê Văn Duyệt, ta như thấy được những hình ảnh sống động của lịch sử thành Gia Định trên sàn diễn hôm nay. Đây là một vở kịch đáng xem để hiểu thêm về Tả quân Lê Văn Duyệt – một con người công chính liêm minh, chí công vô tư, hết lòng vì dân, vì lẽ phải. Đó còn là bài học sâu sắc mà người xưa nhắn nhủ đến các thế hệ con cháu hôm nay và mai sau, rất đáng học hỏi.
Đỗ Hạnh