Tác phẩm văn học nghệ thuật kỷ niệm 30 năm giải phóng

Tác phẩm văn học nghệ thuật kỷ niệm 30 năm giải phóng

Cuộc vận động sáng tác văn học nghệ thuật chào mừng kỷ niệm 30 năm giải phóng miền Nam- thống nhất đất nước, do Sở Văn hóa-Thông tin thực hiện, với 3 thể loại: âm nhạc (ca khúc nghệ thuật, hợp xướng, cộng đồng và thiếu nhi), văn học (truyện ngắn, bút ký, ghi chép gương tốt) và sân khấu (kịch ngắn: chính kịch, hài kịch) đã nhận được 254 tác phẩm tham dự. Trong đó có 167 ca khúc, 54 tác phẩm văn học, 33 tác phẩm sân khấu.

Tác phẩm văn học nghệ thuật kỷ niệm 30 năm giải phóng ảnh 1

Tập nhạc và CD ca nhạc đang được thực hiện. Ảnh: N.C.

30-4 năm nay có thể đánh dấu một bước hành quân trong sáng tạo nghệ thuật, đưa nghệ thuật hòa quyện vào cuộc sống, phản ánh chân thực cuộc sống, làm dấy lên một phong trào, một xu hướng dấn thân “vì nghĩa lớn”, vì sự nghiệp công nghiệp hóa- hiện đại hóa đất nước.

Nhiều ca khúc thấm đượm hương vị ngọt ngào, tươi trẻ: “Thành phố kỷ nguyên mới”, “30 năm thành phố Hồ Chí Minh”, “Sài Gòn- Bài ca tuổi trẻ”, “Tháng tư Sài Gòn”, “Bản tình ca trên sông Sài Gòn”, “Thành phố tình yêu”, “Bên tượng đài Bác”, “Ba mươi mùa xuân hồng”, “Tự hào thành phố của chúng em”, hợp xướng “Sóng Sài Gòn”. Bút ký “Thành phố giữa đại ngàn”, “Cây dừa đồng đội”, “Tiếng sấm rền trên sân bay Tân Sơn Nhất”. Truyện ngắn “Đêm cù lao”, “Quái nhân thôn rạch”. Kịch ngắn “Phát súng”, “9g45 phút”, “Chỗ đứng” v.v…

Đặc biệt có những tác giả đầy cảm hứng đã sáng tác cả thể loại kịch dài không có trong quy định của cuộc thi. Tuy nhiên không phải vì vậy mà ban tổ chức không ghi nhận tâm huyết và công sức sáng tạo này, nhất là đối với những tác phẩm hay như: “Chỉ có tình yêu”, “Hạnh phúc tìm đâu”, “Ước mơ của mẹ”…

Tác phẩm văn học nghệ thuật kỷ niệm 30 năm giải phóng ảnh 2

Vở diễn “Huyền thoại cuộc sống” của Nhà hát Kịch TPHCM đang được dàn dựng. Ảnh: V.Â

Ý nghĩa trọng đại của Đại thắng mùa xuân 30-4 lịch sử đã ghi một dấu son chói lọi hào quang trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc. Thực tế lần này vẫn và mãi mãi còn cho thấy đây là nguồn cảm hứng dồi dào vô tận để các sáng tác văn học, nghệ thuật ra đời.

Có thể còn nhiều tác phẩm hay, xuất sắc khác nữa sẽ xuất hiện trong những ngày sắp tới, nhưng những gì chúng tôi tìm hiểu và cảm nhận được, đã có thể nhận thấy vóc dáng và ấn tượng của những tác phẩm kỷ niệm 30 năm giải phóng.

Từ kết quả cuộc vận động này, Sở VHTT và Hội Mỹ thuật TPHCM vừa in xong cuốn “Tác giả- tác phẩm mỹ thuật thời kỳ chiến tranh cách mạng” qui mô và hoành tráng với sự góp mặt của 105 họa sĩ. 2.000 tập sách gồm 20 truyện ngắn, bút ký tham dự cuộc vận động sáng tác cũng đang được NXB Văn nghệ ấn hành.

Tập sách “Kinh tế TP Hồ Chí Minh 30 năm xây dựng và phát triển 1975-2005” do Viện Kinh tế TP Hồ Chí Minh thực hiện, không chỉ phản ánh những thành tựu về kinh tế của thành phố mà trong 30 năm qua, mà còn phân tích được các vấn đề kinh tế đang đặt ra cho quá trình xây dựng phát triển một thành phố văn minh- hiện đại- nhân ái- nghĩa tình. Bức tranh kinh tế được khắc họa theo từng thời kỳ giúp độc giả dễ cảm nhận hơn.

Ngoài ra, một tập nhạc (1.500 bản) in những bài hát chào mừng kỷ niệm 30 năm giải phóng, một đĩa CD nhạc với 12 ca khúc (1.500 đĩa), sẽ ra mắt công chúng trong một ngày gần đây. Ngoài 19 bài hát sáng tác trong cuộc vận động này, trong CD còn có những tác phẩm của các nhạc sĩ phong trào: Tôn Thất Lập, Nguyễn Văn Sanh, Nguyễn Tuấn Kiệt, Trần Long Ẩn, Trần Xuân Tiến, Võ Đăng Tín, Tôn Thất Thành… góp phần tôn vinh đời sống âm nhạc thành phố.

XUÂN THÁI

Tin cùng chuyên mục