- Tôi có thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) hưu trí. Tôi bị viêm gan siêu vi C. Nghe nói bây giờ có loại thuốc mới, chỉ cần uống chứ không phải tiêm? Vừa rồi tôi đi cấp cứu ở Bệnh viện (BV) Nhân dân Gia Định (cũng là nơi tôi đăng ký khám chữa bệnh ban đầu), sau đó, BV Gia Định chuyển tôi sang BV Đại học Y Dược TPHCM. BV Đại học Y Dược hẹn tôi tái khám. Có phải khi tái khám từ lần 2 trở đi, tôi phải trả tiền khám bệnh trái tuyến? (LÊ HOÀNG LONG, quận Bình Thạnh, TPHCM)
- Ông CAO VĂN SANG, Giám đốc Bảo hiểm xã hội TPHCM: Mỗi giấy hẹn khám lại chỉ có giá trị sử dụng một lần theo thời gian ghi trong giấy hẹn. Căn cứ vào tình trạng bệnh của người bệnh đến khám lại bác sĩ quyết định việc tiếp tục hẹn khám lại. Nếu ông đã được BV Đại học Y Dược hẹn tái khám thì ông cứ đến thẳng BV này tái khám mà không cần đến BV Gia Định để chuyển tuyến.
Hiện nay, không có quy định số lần hẹn tái khám của bác sĩ tuyến trên mà tùy bác sĩ điều trị quyết định. Nếu có giấy hẹn tái khám thì ông cứ đến thẳng BV Đại học Y Dược; trình thẻ BHYT, giấy tờ tùy thân có ảnh thì sẽ được giải quyết đúng tuyến. Về thuốc thang, ông không nói rõ tên thuốc mới là thuốc nào nên tôi không thể biết để tư vấn kỹ giúp ông được. Ông nên trao đổi thẳng với BV hoặc đề nghị BV chỉ định các thuốc có trong Thông tư 40/2014/TT-BYT để điều trị bệnh.
- Tôi có 10 năm làm giao thông vận tải phục vụ chống Mỹ. Khi ở quê yêu cầu khai hồ sơ để trao huân huy chương, tôi đang đi công tác trên tàu biển ở nước ngoài nên không có thời gian kê khai. Năm 2004, tôi về hưu. Gần 10 năm trở lại đây, tôi chỉ được hưởng 95% BHYT do không có huân huy chương. Tôi có được chuyển đổi loại thẻ để hưởng 100% không? (ĐỖ QUANG THANH, quận 5, TPHCM)
- Kể từ ngày 1-7-2009, Luật BHYT sửa đổi, bổ sung quy định mức hưởng BHYT của đối tượng hưu trí là 95% chi phí khám chữa bệnh, nhưng không vượt quá 40 tháng lương cơ sở hiện hành cho một lần sử dụng dịch vụ kỹ thuật cao chi phí lớn.
Qua xem xét hồ sơ lưu trữ tại BHXH TPHCM, quá trình công tác của ông thể hiện vào năm 1965 - 1966: công nhân bến phà Phả Lại; năm 1966 - 1970: học Trường Trung học Hàng hải; năm 1970 - 1971: lao động làm đường; năm 1972 - 1974: thủy thủ; năm 1974 - 1982: thuyền phó, thuyền trưởng tàu sông, Công ty Vật liệu xây dựng Hải Phòng. Như vậy, theo hồ sơ mà chúng tôi đang lưu trữ thì trường hợp của ông không thuộc đối tượng được hưởng 100% (mức 2) chi phí khám chữa bệnh.
Theo như ông nói, ông có 10 năm làm giao thông vận tải phục vụ kháng chiến chống Mỹ thì ông cần cung cấp một trong các loại giấy tờ xác nhận là người có công với cách mạng (bản sao có chứng thực) như: Huân chương, Huy chương Kháng chiến; Huân chương, Huy chương Chiến thắng, Chứng nhận về khen thưởng tổng kết thành tích kháng chiến và thời gian hoạt động kháng chiến của cơ quan thi đua - khen thưởng cấp huyện. Sau đó, ông lập hồ sơ theo phiếu GNHS 402 nộp cho cơ quan BHXH quận, huyện nơi cấp thẻ BHYT hưu trí để chuyển đổi sang mã quyền lợi cao hơn (mức 2) trên thẻ BHYT cho ông.
- Tôi mua BHYT tự nguyện, nơi đăng ký khám chữa bệnh là BV Quận Thủ Đức. Ngày 13-8, tôi đến khám tại BV Y học cổ truyền thì BV nói ngày thứ bảy không khám BHYT. Thứ sáu tiếp đó, tôi tái khám và trình thẻ BHYT nhưng BV bảo rằng không có giấy chuyển viện của BV Thủ Đức. Tại sao cả hai lần tôi phải mất tiền khám? (NGUYỄN THỊ HOA, ngụ quận Thủ Đức, TPHCM)
- Bà khám chữa bệnh ngoại trú tại BV Y học cổ truyền (là BV tuyến tỉnh) không trong tình trạng cấp cứu và không có giấy chuyển tuyến của BV Quận Thủ Đức hoặc BV quận, huyện bất kỳ thì sẽ không được thanh toán chi phí khám chữa bệnh.
Nếu bà điều trị nội trú không trong tình trạng cấp cứu và không có giấy chuyển tuyến của BV Thủ Đức hoặc BV quận, huyện nhưng có trình thẻ BHYT và giấy tờ tùy thân có ảnh sẽ được quỹ BHYT thanh toán 60% chi phí khám chữa bệnh trong quy định x 80% (mức quyền lợi được hưởng của đối tượng tham gia BHYT tự nguyện).
Hiện nay, BV Y học cổ truyền chưa ký hợp đồng khám chữa bệnh ngoài giờ, thứ bảy, chủ nhật với cơ quan BHXH. Vì vậy, nếu có nhu cầu khám chữa bệnh BHYT thì bà có thể khám tại BV Quận Thủ Đức (có chuyên khoa Y học cổ truyền) hoặc Viện Y học dân tộc, BV đa khoa có chuyên khoa Y học cổ truyền (nếu được BV Quận Thủ Đức chuyển tuyến).