Tai nạn giao thông đường thủy rình rập

TPHCM hiện có 112 tuyến đường thủy nội địa với tổng chiều dài gần 1.000km, giúp việc giao thương hàng hóa, dịch vụ vận tải đường thủy giữa TPHCM với các tỉnh miền Đông Nam bộ, ĐBSCL thuận tiện.
Tai nạn giao thông đường thủy rình rập

TPHCM hiện có 112 tuyến đường thủy nội địa với tổng chiều dài gần 1.000km, giúp việc giao thương hàng hóa, dịch vụ vận tải đường thủy giữa TPHCM với các tỉnh miền Đông Nam bộ, ĐBSCL thuận tiện.

Tuy nhiên, mỗi ngày trên các tuyến đường thủy nội địa này vẫn tồn tại hàng loạt lỗi vi phạm, khiến nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông (TNGT) cao, nhất là ở thời điểm cuối năm, tàu thuyền tăng mạnh về số lượng lẫn số lượt lưu thông.

Ảnh hưởng triều cường, chiều 3-12, nước sông Cần Giuộc dâng cao nhưng một sà lan có trọng tải lớn vẫn cố chui qua cầu Cần Giuộc nối đường Nguyễn Văn Linh (huyện Bình Chánh).

Bất chấp luật lệ

Chạng vạng tối 15-12, thủy triều dâng cao, độ tĩnh không giữa mặt nước sông Sài Gòn và mặt dưới cầu Bình Lợi (nối 2 quận Bình Thạnh và Thủ Đức, TPHCM) thu ngắn xuống ngưỡng nguy hiểm. Ở đầu cầu phía quận Bình Thạnh, các nhân viên trạm trực gác cầu Bình Lợi liên tục phát loa yêu cầu tàu, sà lan không được lưu thông qua cầu để tránh sự cố đâm va, gây tai nạn. Thế nhưng, ở khu vực giữa sông, tiếng máy tàu vẫn nổ inh ỏi, tài công nhiều tàu kéo vẫn bất chấp, tăng ga, kéo sà lan có tải lao về phía cầu. Một tàu kéo cố chui qua cầu đã quẹt vào hông cầu, phát ra âm thanh nhói tai, rất may tai nạn nghiêm trọng không xảy ra.

Không chỉ xảy ra trên sông Sài Gòn, theo dõi nhiều tháng trên nhiều tuyến giao thông thủy khác trên địa bàn TPHCM như kênh Đôi, Tàu Hủ (quận 8), Cần Giuộc - Chợ Đệm (huyện Bình Chánh), sông Soài Rạp (huyện Nhà Bè)..., chúng tôi ghi nhận các vi phạm như trên cũng diễn ra rất phổ biến.

Nói về vi phạm của các lái tàu, sà lan, anh H. - một nhân viên trực ở cầu Bình Lợi, ngao ngán: “Lái tàu biết rõ các quy định khi tham gia giao thông thủy, cũng như hiểu rõ việc kéo sà lan chui qua cầu lúc thủy triều lên sẽ nguy hiểm thế nào, nhưng họ vẫn bất chấp vì được chủ doanh nghiệp “bao tai nạn” với các cơ quan chức năng (bảo hiểm, công an, thanh tra giao thông... - PV). Anh em tụi tui trực ở đây luôn tập trung, cảnh giác cao độ nhưng không thể ngăn chặn hết các vi phạm của lái tàu được, nhất là vào ban đêm. Thực tế đã có không ít vụ sà lan đâm va cầu Bình Lợi..., thế nhưng đến nay các vi phạm vẫn cứ diễn ra”. Anh H. kiến nghị, để TNGT đường thủy không xảy ra, các cơ quan chức năng cần đẩy mạnh việc tuần tra, kiểm tra gắt gao, xử lý nghiêm các lái tàu, chủ phương tiện đường thủy vi phạm luật giao thông, nhất là ở thời điểm cuối năm. Lái tàu Bùi Mạnh T., nhân viên Công ty Vận tải Minh Phước, Long An, thường xuyên lái tàu lưu thông trên sông Cần Giuộc - Chợ Đệm, chia sẻ: “Thừa nhận là quá trình điều khiển phương tiện, anh em lái tàu có lúc vi phạm, nhưng nguy hiểm an toàn giao thông thủy không phải chỉ xuất phát từ nguyên nhân này, mà việc người dân cất nhà lấn chiếm sông rạch, vứt rác thải cũng là một nguyên nhân lớn. Việc này lâu nay gần như không hề bị xử lý”. 

Không chỉ tồn tại trên tàu thuyền vận tải, tình trạng vi phạm các quy định về an toàn giao thông đường thủy cũng diễn ra tràn lan trên các tàu dịch vụ. Tại các bến phà, đò ngang như Bình Quới (Bình Thành), An Phú Đông (quận 12) đều không trang bị đầy đủ áo phao cho hành khách, hoặc có nhưng cũ nát. Ngoài ra, ở các cảng, bến thủy nội địa, doanh nghiệp vận tải, các vi phạm như không đăng ký, đăng kiểm phương tiện; lái tàu không có giấy phép; vi phạm trong khai thác cảng, bến thủy nội địa, vi phạm về vận tải đường thủy nội địa... cũng đã, đang diễn ra phổ biến, góp phần đẩy nguy cơ TNGT thủy tăng cao.

Kiên quyết xử lý vi phạm

Trung tá Phan Văn Mẫn, Đội trưởng Đội 2 - Phòng PC68 (Công an TPHCM), cho biết TNGT đường thủy vẫn còn cao do chủ tàu không chấp hành hiệu lệnh, phương tiện chở quá vạch dấu mớn nước, lái tàu không có bằng cấp....

Trong những ngày cuối năm 2014, bên cạnh việc tuần tra, xử phạt thường xuyên, liên tục, PC68 cũng sẽ đẩy mạnh việc tuyên truyền thông qua báo đài để chủ phương tiện đường thủy nâng cao ý thức, chấp hành đúng các quy định khi tham gia lưu thông, hoạt động trên các tuyến đường thủy. Ông Nguyễn Văn Khoái, Thanh tra Sở GTVT TP, cho rằng một số quận, huyện có kênh rạch chạy qua chưa quan tâm đến việc kiểm tra, xử lý các vi phạm. Cụ thể là chưa làm tốt công tác rà soát, xử lý các công trình nhà ở vi phạm chỉ giới đường sông, gây nguy hiểm cho việc lưu thông của phương tiện đường thủy. “Riêng đối với các kế hoạch kiểm tra, xử lý các bến thủy nội địa vi phạm trong thời gian gần đây, sau khi hoàn thành kế hoạch phối hợp, chúng tôi đã giao cho UBND các quận, huyện theo dõi, xử lý, nhưng đến nay việc làm này vẫn chưa được triển khai, bến thủy nội địa vi phạm còn nhiều” - ông Khoái nói. Do đó, TP cần sớm có giải pháp xử lý 10.000 công trình nhà ở nằm trên chỉ giới kênh rạch, lấn chiếm kênh rạch hiện nay, bởi đây cũng là một trong những nguyên nhân ảnh hưởng trực tiếp đến việc di chuyển của các phương tiện đường thủy. Bên cạnh đó, công tác đăng ký, kiểm định phương tiện đường thủy cũng cần được chặt chẽ hơn. Hiện nay rất nhiều các phương tiện đường thủy, ngoài biển số tàu, trên máy tàu không thể hiện số kiểm soát, gây khó khăn trong việc kiểm tra, xử lý các tàu vi phạm.

TUẤN VŨ

Tin cùng chuyên mục