Ở tuổi bảy mươi chín, cha tôi về cõi vĩnh hằng sau thời gian tĩnh bệnh, trong trạng thái phúc âm,
mãn nguyện như muốn làm vơi bớt gánh nặng u sầu, tiếc thương cho người thân nơi trần thế. Đó là một ngày trung tuần tháng 6 âm lịch năm 1985… Sâu trong ký ức bảy anh em tôi là hình ảnh của cha cùng quá khứ đầy biến cố song chan chứa tình phụ tử.
Suốt đời làm nông với bao truân chuyên vất vả, thấm hiểu nỗi khổ của cái nghèo cái dốt, cha tôi luôn khuyên răn con phải học, bởi chỉ có học mới thay đổi nhận thức, theo kịp tiến bộ xã hội. Nhưng thời ấy - những năm thập niên 60 của thế kỷ trước, duy trì được chín miệng ăn trong gia đình không dễ chút nào, lấy đâu tiền ăn học bây giờ? Nhưng không vì thế mà bó tay, cha tìm lối ra bằng cách dựa vào dòng sông Ngàn Phố chảy qua làng và dãy núi Thiên Nhẫn ở bên kia bờ sông. Tinh sương ông đã lên chuyến đò ngang đầu tiên qua sông, trèo lên triền núi cuốc đất trồng chè, khoai, sắn. Xế chiều cha vác chiếc cào tre ra sông cặm cụi cào hến, khoảng dăm mẻ được chừng hai sọt tre thì mang về ngâm nước rửa sạch, nấu chín lọc vỏ lấy ruột cho vào rá cùng hai thùng nước hến màu sữa thơm phức, để khi vừa rạng đông, mẹ quảy gánh trên vai rong ruổi khắp đường làng ngõ xóm rao bán. Ngày lại ngày luân phiên đều đặn, hôm nay mấy chục bó chè xanh, ngày mai gánh hến, chắt chiu từng đồng dành dụm nuôi con ăn học.
Từ mái tranh nghèo thôn dã miền Tây Hà Tĩnh, tốt nghiệp THPT, anh em chúng tôi lần lượt từ biệt quê hương theo học các trường chuyên ngành. Mỗi lần bước chân ra đi, cha ngậm ngùi dúi vào tay mấy đồng tiền lẻ, dặn dò: “Tài sản cha mẹ cho con là cái chữ, gắng học nên người”. Năm tháng dần trôi, đứa nào cũng nghề nghiệp ổn định, từng bước trưởng thành, tự lập, trong đó có người đã hy sinh ở chiến trường miền Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc…
Giờ đây, hễ có dịp hội tụ tại quê nhà, anh em tôi lại kéo nhau ra bờ sông Ngàn Phố bồi hồi nhìn đoàn thuyền căng buồm no gió, phóng tầm mắt ngắm đồi chè xanh ngắt – những “kho báu” vô giá chắp cánh cho chúng tôi bay xa. Và hơn thế, chúng tôi càng thấm hiểu giá trị truyền thống của mối gắn kết gia đình, thêm yêu quê hương xứ sở, quý trọng mẹ già, hoài niệm về người cha một đời lam lũ, khi nhắm mắt xuôi tay đã kịp để lại cho từng đứa con thứ tài sản thiết thực, bình đẳng và bền vững, đủ sức tạo dựng cuộc sống tương lai.
NGUYỄN TIẾN ĐẠT (Đức Trọng, Lâm Đồng)