Cuộc thi “Tiếng hát truyền hình 2005”

Tại sao gây nhiều dư luận?

PHÚC NGUYÊN
Tại sao gây nhiều dư luận?

Cuộc thi “Tiếng hát truyền hình lần thứ 15- 2005” đã khép lại với nhiều cái được và chưa được mà dư luận đã và đang lên tiếng.

Tại sao gây nhiều dư luận? ảnh 1

4 thí sinh vào chung kết xếp hạng đang chờ công bố kết quả.

15 năm qua, cuộc thi tiếng hát truyền hình đã chứng tỏ một vị thế ngày càng lớn trong đời sống văn hóa xã hội, góp phần không nhỏ vào việc vực dậy và phát triển nền ca nhạc Việt Nam.

Đến lần thứ 15 này, hoạt động chuyên môn được tăng cường để nâng cao chất lượng cuộc thi; công tác dàn dựng chương trình, thiết kế sân khấu được đầu tư lớn, công phu; chất lượng âm thanh ánh sáng và nghệ thuật trang trí có bước tiến bộ nhảy vọt; các hoạt động phụ trợ như: thi ảnh của 70 tác giả về cuộc thi trong 15 năm qua, cuộc bình chọn của khán giả đối với thí sinh mà mình yêu thích… làm cuộc thi thêm sôi động. 33 cá nhân và nhiều tập thể có đóng góp xuất sắc cho 15 năm tiếng hát truyền hình đã được tôn vinh, ghi nhận. Nhưng vấn đề nổi cộm chỉ có từ năm nay, lần thứ 15- 2005.

Dư luận đặt dấu hỏi liệu Ban giám khảo có công tâm không? Tại sao toàn các nhạc sĩ sáng tác ngồi chấm thi ca hát, mà trong BGK không có các giảng viên thanh nhạc, ca sĩ chuyên nghiệp có tài để cân đo chính xác hơn về tài ca hát. Tại sao đa phần thí sinh chọn thi bài hát của nhạc sĩ làm giám khảo, tại sao điểm số giữa các thành viên BGK có trường hợp vênh nhau quá? Liệu một số thành viên BGK có “gà nhà” đi thi không, có ai đó ăn tiền đút lót của gia đình thí sinh để ưu tiên, có ai đó bồ bịch gì với nữ thí sinh không…? Có quá nhiều dấu hỏi và sự nghi ngờ về tính công tâm, khách quan của cuộc thi vốn đã làm nên một thương hiệu ca hát có tiếng này.

Còn nhớ khi nữ thí sinh Phạm Thị Hồng Mơ kết thúc xong phần dự thi của mình, tất cả giám khảo cho điểm ngang ngửa nhau, duy chỉ có một giám khảo là nhạc sĩ ở Hà Nội có lẽ chưa hiểu ý nên cho điểm thấp hẳn đúng với thực chất của tiếng hát Hồng Mơ lúc ấy. Qua lần thi sau có lẽ do đã hiểu ý nên số điểm của giám khảo này được nâng tầm cho ngang bằng với tất cả giám khảo khác. Một số trường hợp khác cũng không kém phần khó hiểu!

Tất nhiên nhìn một cách toàn diện và suy cho cùng nếu chuyện cầm cân nẩy mực của BGK chính xác, hoặc chỉ cần tương đối như các năm trước đây thì dư luận cũng thể tất và ủng hộ, đàng này bất cứ ai theo dõi cũng thấy được những khiếm khuyết lộ liễu và sự “châm chước” dường như có tính toán! Tất nhiên ban tổ chức sẽ rút kinh nghiệm, song cái giá phải trả là sự sút giảm uy tín của một cuộc thi có tầm cỡ.

Ông Nguyễn Thành Tài, Phó Chủ tịch UBND TPHCM sau khi ghi nhận những nỗ lực và hiệu quả của cuộc thi tiếng hát truyền hình trong 15 năm qua, đã nhấn mạnh: “Cần nỗ lực kiên trì không mệt mỏi, lắng nghe cầu thị để tự điều chỉnh, xét chọn nghiêm túc, công tâm. Như thế sẽ để lại trong lòng khán giả những ấn tượng tốt đẹp”. Là một cuộc thi thì vấn đề hàng đầu đặt ra là việc xét chọn nghiêm túc, công tâm. Đã nghiêm túc, công tâm thì loại trừ được mối nghi ngờ có thiên vị, chạy chọt cửa sau hoặc tình cảm riêng tư. Đây là bài học trong quá trình xây dựng và phát triển một hoạt động văn hóa qui mô, một thương hiệu về văn hóa có tầm cỡ được công chúng quan tâm, yêu mến và giám sát.

PHÚC NGUYÊN
 

Tin cùng chuyên mục