Dân hỏi

Tài xế thỏa thuận lao động… “miệng” với chủ xe, được không?

Tài xế thỏa thuận lao động… “miệng” với chủ xe, được không?

Trao đổi nhanh với ông Dương Hồng Thanh, Phó Giám đốc Sở Giao thông Công chính TPHCM (ảnh) một số vấn đề liên quan đến việc triển khai Nghị định 110 về điều kiện kinh doanh vận tải bằng ôtô.

Tài xế thỏa thuận lao động… “miệng” với chủ xe, được không? ảnh 1

- Nhiều người lo lắng vì NĐ 110 chỉ cho phép doanh nghiệp hoặc hộ kinh doanh vận tải tham gia kinh doanh vận tải bằng ôtô, trong khi đặc thù TPHCM phổ biến là xe đăng ký cá nhân ?

- Theo quy định của NĐ 110, chỉ có doanh nghiệp, hộ kinh doanh vận tải mới được tham gia, còn cá nhân đứng tên trên giấy đăng ký xe thì không được. Đúng đây là một vấn đề đối với TPHCM bởi tại thành phố hầu hết là các đơn vị HTX dịch vụ, đặc biệt đối với hoạt động taxi. Nói cách khác vấn đề khó khăn nằm ở việc sở hữu phương tiện: giờ đây để được tham gia kinh doanh vận tải bằng ôtô, những trường hợp ấy phải chuyển đổi quyền sở hữu, từ thể nhân sang pháp nhân.

- Mục a khoản 3 Điều 5 quy định lái xe, nhân viên phục vụ trên xe phải có hợp đồng lao động bằng văn bản với người sử dụng lao động. Đây cũng là khó khăn lớn đối với giới nhà xe?

- Tại TPHCM từ bao lâu nay quả vẫn tồn tại một thực trạng, thậm chí khá phổ biến là giữa người lao động, ở đây giới hạn vào hai thành phần là lái xe và nhân viên phục vụ trên xe, và người sử dụng lao động chỉ quen ràng buộc với nhau bằng hợp động lao động… miệng.

Nay NĐ 110 yêu cầu phải là hợp đồng lao động bằng văn bản. Chúng tôi cho rằng khó khăn ở đây chủ yếu nằm ở thói quen – thói quen ký hợp đồng miệng. Cần phải thay đổi thói quen đó để nâng cao chất lượng dịch vụ phục vụ hành khách.

- Vậy sở sẽ làm gì để giúp đỡ các doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh vận tải tháo gỡ các khó khăn đó? Lộ trình cụ thể ra sao?

- Điều đáng mừng là theo QĐ 16/2007/QĐ-BGTVT ban hành ngày 26-3 qua thì hai vấn đề liên quan đến việc sở hữu phương tiện và hợp đồng lao động bằng văn bản chỉ được áp dụng từ 1-10 tới, nghĩa là vẫn còn thời gian để thay đổi, đáp ứng yêu cầu.

Xin nói thêm là theo Thông tư 95/2005/TT-BTC của Bộ Tài chính thì diện xã viên của HTX chuyển quyền sở hữu sang pháp nhân thì không phải đóng lại tiền trước bạ cũng như sau này khi muốn ra khỏi HTX, việc chuyển tên đăng ký xe từ pháp nhân sang cá nhân đều không phải đóng trước bạ.

Đối với vấn đề ký hợp đồng lao động bằng văn bản, trong hai tháng 4 và 5 này sở sẽ làm việc và lắng nghe tâm tư phản ánh từ các chủ doanh nghiệp, các đơn vị vận tải, tìm hiểu những băn khoăn có thể có như việc mua bảo hiểm hoặc các chính sách cho người lao động… để phối hợp với các ban ngành chức năng tìm cách giải quyết.

- Nhiều chủ xe cho biết, nếu phải ký hợp đồng lao động với tài xế thì họ chỉ ký ngắn hạn 3-6 tháng. Ông thấy thế nào?

- Chúng tôi cho rằng trên lý thuyết nếu không ký hợp đồng lao động dài hạn thì việc tạm thời ký ngắn hạn 3 tháng, 6 tháng trong một thời gian không phải là không có lý. Tuy nhiên, vấn đề này cần phải được tham khảo với các ban ngành chức năng trước đã.

- Xin cám ơn ông. 

THIỆN NHÂN thực hiện

Tin cùng chuyên mục