
Tôi sinh ra trong một gia đình nghèo khó ở An Giang. Nhà nghèo, ba mẹ già, chị gái lại bị bệnh tâm thần, ước mơ được học để làm cô giáo của tôi chìm khuất trong những năm tháng theo mẹ đi làm mướn kiếm ăn. Ban ngày đi học, ban đêm tôi đi đội nước nắm, đánh quay giỏ xách mướn cho người ta, một quay được trả một cắc. Nhiều buổi, tôi đi học với cái bụng rỗng và đôi chân run vì đói, lạnh. Sau khổ quá, tôi phải nghỉ học, đi ở đợ kiếm mỗi tháng 400 đồng. Thế nhưng không hiểu sao, dù vẫn chưa được giác ngộ về lý tưởng cách mạng nhưng trong những ngày khó khăn nhất, tôi vẫn tin cuộc sống của mình rồi cũng phải thay đổi.

Cụ Trình Thị Tán xúc động mỗi khi kể về Bác Hồ. Ảnh: M.Hg
Năm Bác Hồ mất, miền Nam chưa giải phóng. Sau Tết Mậu Thân, chính quyền cũ càng siết chặt chính sách kìm kẹp ở các vùng nông thôn, thành thị miền Nam. Cả nhà tôi thương Bác lắm nhưng không biết làm thế nào. Thế rồi, ông anh tôi có sáng kiến kiếm một cái bảng bằng cỡ khuôn hình, vẽ số 1969 lên rồi đặt trang trọng trên bàn thờ. Mỗi ngày, mấy anh em thay nhau đốt nhang, nhớ Bác.
Dù học chưa đến nơi đến chốn nhưng tôi cũng thi đậu làm giáo viên phụ khuyết (giáo viên chỉ được hưởng phân nửa tiền lương so với giáo viên chính thức) và được phân công về dạy ở một xã vùng sâu. Trường nằm gần vùng giải phóng, thỉnh thoảng, anh em du kích vẫn lựa lúc đêm tối vào treo cờ của bên mình trên cột cờ của trường. Được nhìn thấy lá cờ của cách mạng, dù không được nói ra nhưng trong lòng tôi thấy ấm áp vô cùng.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Đua tặng hoa cho nhà giáo Trình Thị Tán tại đêm trao giải cuộc thi tìm hiểu tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Ảnh: M.Hg
Sau ngày giải phóng, vì là giáo viên của chế độ cũ, chúng tôi sợ không được tiếp tục đứng trên bục giảng. Ngày đầu tiên được thu nhận lại, cánh giáo viên chúng tôi tự tay treo tấm ảnh Bác Hồ lên vị trí trang trọng trong lớp học, trong lòng thầm nói: “Bác ơi, chỉ có Bác mới xứng đáng ở trong lòng chúng con”.
Theo nghề dạy học từ đó cho đến ngày về hưu, hàng tháng, tôi đều lấy một trong 5 điều Bác Hồ dạy làm chủ đề thi đua cho các em học sinh. Để kiểm tra, tôi chủ động liên hệ với gia đình các em, tìm hiểu xem học trò của mình đã ứng dụng lời Bác dạy như thế nào. Em nào làm tốt, tôi có thưởng, em nào chưa tốt, tôi khuyên nhủ, uốn nắn dần. Cứ thế, học trò lớp tôi thật sự hiểu và làm theo lời Bác. Các em trưởng thành, nên người cũng từ lời dạy của Bác được học từ ngày còn thơ.
(Ghi theo lời kể của cụ Trình Thị Tán, 70 tuổi - người 6 lần tham gia cuộc thi Tìm hiểu tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh do Ban Tuyên giáo Trung ương, Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam tổ chức năm 2007).
MAI HƯƠNG (ghi)