Tôi làm việc trong một cơ quan, giờ làm việc cũng giống như nhiều nơi - 8 giờ/ngày. Tuy nhiên, điều tôi nhận thấy là hầu hết các ngày làm việc trong tuần, một số nhân viên đều dành một khoảng thời gian đầu ngày để “tám”. “Tám” đủ mọi chủ đề từ kinh tế, chính trị đến văn hóa, giáo dục; từ trong nước đến thế giới; từ chuyện ăn uống, ốm đau của các thành viên trong gia đình đến chuyện thời trang mốt này mốt kia…
Thấy riết rồi quen, giờ có việc gì đến cơ quan hành chính để làm giấy tờ, hay đến bệnh viện khám sức khỏe… tôi đều thủ sẵn mấy tờ báo, thậm chí cả cuốn tiểu thuyết để “say sưa” đọc, quên đi nỗi vất vả vì chờ đợi. Thế nhưng, có lần tôi ho “rũ rượi” hết buổi tối, sáng ra vội vàng đến bệnh viện sớm để chụp phim xem thử phổi có vấn đề gì không. Vậy mà vào đăng ký khám là 7 giờ 30, đến 8 giờ tôi thấy các cô nhân viên y tế háo hức trao đổi một vấn đề gì đó mà cười nói rất rôm rả. Tôi đứng lên chưa kịp hỏi, đã được nhắc nhở: “Chị ngồi đó chờ chút chút nhé!”. Mọi người đi qua thấy tôi ho liên tục nên cũng ái ngại, nhưng khoảng “chút chút” như cô nhân viên bảo cũng hơn 30 phút mới thấy có người chỉ tôi đến nơi khám. Điều tôi thật sự buồn là sao trong lúc nhiều người đang đau đớn như thế, các nhân viên đó vẫn có thể “tám” vui vẻ được nhỉ?! Phải chăng vì quá quen với cảnh đau đớn của bệnh nhân nên các nhân viên này thấy “bình thường”?
Tất nhiên, không phải ai cũng tham gia vào cuộc “tám” đó. Có nghĩa là những cuộc tám chuyện trên trời dưới đất đó sẽ ảnh hưởng đến công việc của những người khác. Khổ nỗi, như cơ quan tôi cũng có chấn chỉnh, nhắc nhở nhưng đâu lại vào đó. Bởi cuộc “tám” chuyện chỉ diễn ra trong một nhóm người hợp tính nhau. Đến giờ làm việc cứ vừa kết hợp làm vừa trò chuyện. Tâm lý chung thì mỗi người góp vài câu chuyện để khỏi bị “lạc lõng”. Thế là, vô hình trung thời gian làm việc bị bớt xén nhưng lại khó quản lý. Thật là tế nhị khi yêu cầu những nhân viên làm việc gần nhau mà lại phải im lặng, không được nói chuyện. Nhất là khi những công việc được đánh giá về mặt định tính chứ không phải là định lượng.
Có lẽ phải tổ chức giáo dục cho nhân viên về văn hóa nơi công sở như làm việc đúng giờ, không đi trễ về sớm, không được nói chuyện ngoài chuyên môn trong giờ làm việc, tôn trọng mọi người… Điều này trong thực tế có thể là rất khó, nhưng khó không có nghĩa là không làm được.
LÊ PHẠM