Tận dụng mạng xã hội để làm văn hóa

Trong bối cảnh hiện nay, khi các nền tảng mạng xã hội đang phát triển mạnh, ảnh hưởng đến mọi mặt của đời sống thì việc tận dụng mạng xã hội để quảng bá các tác phẩm văn học nghệ thuật và xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh cũng có thể xem là một giải pháp hữu hiệu.

Ngày 5-7, Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM tổ chức tọa đàm “Vai trò của báo chí, xuất bản đối với việc quảng bá các tác phẩm văn học, nghệ thuật và xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh”. Tọa đàm đã nhận được 36 tham luận của các đại biểu đến từ các đơn vị trên địa bàn TPHCM.

Sử dụng đúng nơi, đúng cách

TS Nguyễn Thái Giao Thủy (Trường Đại học Sài Gòn) cho rằng, trong những năm gần đây, các cơ quan báo chí, truyền thông trong cả nước đã đẩy mạnh hoạt động phổ biến tác phẩm văn học nghệ thuật (VHNT) bằng nhiều hình thức trên các ấn phẩm báo chí một cách đa dạng, có chiều sâu các vấn đề về văn hóa, VHNT; phổ biến nhiều tác phẩm VHNT có giá trị trên phương tiện truyền thông của mình.

Tuy vậy, theo TS Giao Thủy, bên cạnh mặt tích cực, báo chí vẫn còn những mặt hạn chế như: chưa có nhiều ấn phẩm báo chí chuyên sâu, thông tin tuyên truyền về VHNT; chưa quan tâm đúng mức đến yêu cầu xây dựng con người, phát triển văn hóa.

Các cử tọa tại buổi tọa đàm

Các cử tọa tại buổi tọa đàm

Nhiều ý kiến tại tọa đàm cho rằng, báo chí, xuất bản đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc quảng bá các tác phẩm VHNT và xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh trong những năm qua. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, khi các nền tảng mạng xã hội đang phát triển mạnh, ảnh hưởng đến mọi mặt của đời sống thì việc tận dụng mạng xã hội để quảng bá các tác phẩm VHNT và xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh cũng có thể xem là một giải pháp hữu hiệu.

Nhà báo Nguyễn Đức Hiển (Phó Tổng Biên tập Báo Pháp luật TPHCM) cho rằng, bên cạnh báo chí, mạng xã hội cũng là một hình thái của truyền thông và có thể đảm đương vai trò quan trọng không thua kém, thậm chí là cao hơn nếu những nền tảng mạng xã hội được dùng đúng lúc, đúng nơi, đúng cách. Các nền tảng mạng xã hội như Facebook, YouTube, TikTok… thu hút lượng người dùng đông đảo hơn bất kỳ tờ báo nào. “Việc sử dụng mạng xã hội để thúc đẩy những nhận thức chung về văn hóa là điều tất yếu. Việc xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh cũng không ngoại lệ”, nhà báo Đức Hiển khẳng định.

Tuy nhiên, bà Ngô Ngọc Ngũ Long, Ủy viên Hội đồng Lý luận, phê bình văn học nghệ thuật TPHCM lưu ý: Xấu tốt, giả thật nháo nhào trên những trang mạng chỉ với một mục đích duy nhất là “câu lượt xem” bằng mọi cách. Nhưng chính những “quan điểm cấp tiến” của những tờ báo mạng dành cho giới trẻ mới thật đáng sợ. Đó là sự đấu tranh trực diện về quan điểm. Một sự đấu tranh trên phương diện truyền thông, ai nắm giữ nhiều độc giả, kẻ đó sẽ thắng. Và sự thực hiện nay, nếu có những tiếng nói phản bác lại thì quả là cô đơn vì tờ Văn nghệ TPHCM, hay Báo Sài Gòn Giải Phóng… nếu không được các cơ quan có trách nhiệm lưu tâm thì giống như tiếng kêu trong sa mạc.

Ông Lâm Đình Thắng, Giám đốc Sở TT-TT TPHCM đưa ra thống kê: Trong 5 TikToker nổi tiếng, có lượt theo dõi nhiều nhất tại TPHCM, trong vòng một tháng qua, lượt xem là 18 triệu, lượt theo dõi là hơn 60,2 triệu. “Thời gian tới, nếu chúng ta tận dụng được lực lượng TikToker này để chuyển tải và cùng tham gia quảng bá những giá trị tích cực của VHNT TPHCM nói riêng và của cả nước nói chung, sẽ là một giải pháp hiệu quả”, ông Lâm Đình Thắng nói.

Phát huy chất trẻ trong sáng tạo

TPHCM là địa phương có thị trường xuất bản sôi động với sự tham gia của nhiều đơn vị xuất bản là các công ty tư nhân. Trong hơn 10 năm trở lại đây, có một xu hướng chung là người đọc chuộng sách viết về lịch sử, văn hóa của mảnh đất phương Nam, đặc biệt nhiều tài liệu thời kỳ người Pháp xâm lược và đô hộ miền Nam Việt Nam.

Từ đó, theo TS Quách Thu Nguyệt, TPHCM cần có một không gian văn hóa Nam bộ gắn kết với Không gian văn hóa Hồ Chí Minh. Đó sẽ là không gian mở, giúp bạn đọc, nhất là bạn đọc trẻ, tham khảo, học hỏi, tìm hiểu về lịch sử hình thành và phát triển, những giá trị di sản của lịch sử văn hóa, của những nhân vật, những con người đã đóng góp cho thành phố này trên nhiều lĩnh vực.

“Để thế hệ những người Việt trẻ, những công dân trẻ của TPHCM yêu và gắn trách nhiệm với đất nước, với thành phố này, không gì bằng giúp giới trẻ biết và hiểu đúng về lịch sử văn hóa của Việt Nam, của miền Nam, của Sài Gòn - TPHCM”, TS Quách Thu Nguyệt bày tỏ.

Trong khi đó, ThS Nguyễn Thị Kim Loan (Đài Truyền hình TPHCM) cho rằng, cần tiếp tục khuyến khích, tạo điều kiện cho đội ngũ làm báo chí - xuất bản có nhiều ý tưởng, sáng kiến trong sản xuất chương trình, tác phẩm với nội dung xây dựng nhân cách văn hóa, xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan của Đảng, Nhà nước, các đoàn thể chính trị - xã hội để làm gương sáng cho xã hội noi theo.

Đồng thời, tôn vinh tài năng, tạo cơ hội và điều kiện khuyến khích các tài năng VHNT, nhất là tài năng trẻ cống hiến cho sự nghiệp xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam; phát huy tài năng, tâm huyết của trí thức, văn nghệ sĩ người Việt Nam ở nước ngoài trong việc tham gia phát triển văn hóa, trở thành cầu nối quảng bá hình ảnh đất nước, văn hóa, con người Việt Nam.

"Khi nhu cầu “đọc báo” của công chúng ngày càng cá nhân hóa, cần sự điều chỉnh phù hợp trong việc đăng tải, giới thiệu, phê bình các tác phẩm để người đọc dễ dàng tiếp cận và thẩm thấu. Báo chí cần chủ động hơn với các yêu cầu này, không chỉ để góp phần phát triển VHNT mà còn làm gần gũi với công chúng hơn"

ThS NGUYỄN MINH HẢI, Trưởng Phòng Báo chí - Xuất bản, Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM

Nhiều đại biểu cũng cho rằng, cần phát triển và xây dựng đội ngũ văn nghệ sĩ trẻ có bản lĩnh chính trị vững vàng, có phẩm chất đạo đức tốt để đảm nhiệm lĩnh vực VHNT trong tương lai.

Tin cùng chuyên mục