Tăng cường giải pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường

Thực hiện Chương trình giảm thiểu ô nhiễm môi trường, thời gian qua TPHCM đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. Tuy còn nhiều khó khăn, song với những nỗ lực của mình TPHCM cũng đã đạt được nhiều kết quả nhất định trong công tác này, góp phần cùng cả nước thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường.
 Hồ xử lý nước thải tập trung tại một nhà máy trong KCN Tây Bắc Củ Chi Ảnh: CAO THĂNG
Hồ xử lý nước thải tập trung tại một nhà máy trong KCN Tây Bắc Củ Chi Ảnh: CAO THĂNG
Nhiều chuyển biến tích cực
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM, thực hiện Chương trình giảm thiểu ô nhiễm môi trường giai đoạn 2016 - 2020, thời gian qua, thành phố đã giải quyết được nhiều vấn đề liên quan đến môi trường. Cụ thể, triển khai nhiều đề án, dự án cải thiện môi trường nhằm kiểm soát, ngăn chặn và đẩy lùi ô nhiễm không khí, nước mặt, nước ngầm, chất thải rắn thông thường, chất thải nguy hại; khắc phục môi trường ở những nơi bị ô nhiễm nặng; tăng cường diện tích cây xanh, vườn hoa, thảm cỏ, công viên...
Hoàn thành và đưa vào sử dụng các công trình, dự án cải thiện môi trường trọng điểm, triển khai tích cực việc kiểm soát và xử lý các nguồn gây ô nhiễm môi trường, đặc biệt là di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm trong khu dân cư vào các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn thành phố. Chỉnh trang các khu dân cư hiện hữu và xây dựng các khu đô thị mới với cơ sở hạ tầng đồng bộ, thân thiện với môi trường. 
Không dừng lại ở đó, đến nay, 100% nước thải bệnh viện, nước thải các cơ sở công nghiệp đã được xử lý đạt quy chuẩn môi trường; 100% khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, cụm công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải tập trung và hệ thống quan trắc nước thải tự động; có đường truyền dữ liệu về cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực môi trường để kiểm tra, giám sát; 80% tổng lượng nước thải sinh hoạt đô thị được thu gom và xử lý tập trung đạt chuẩn quy định trước khi thải ra môi trường. Giảm 65% khối lượng túi ni lông khó phân hủy sử dụng tại các siêu thị, trung tâm thương mại và giảm 50% khối lượng túi ni lông khó phân hủy sử dụng tại các chợ dân sinh.
Ngoài ra, 90% nguồn khí thải công nghiệp cũng được xử lý đạt quy chuẩn môi trường. Trong năm 2016, thành phố có 906 nguồn khí thải công nghiệp (bao gồm cả nguồn thải trong các khu chế xuất, khu công nghiệp); trong đó, nguồn thải có hệ thống xử lý khí thải chiếm 70%. Trong năm 2017, sau khi rà soát, thành phố còn lại 803 nguồn thải; trong đó, có 751 nguồn thải có hệ thống xử lý khí thải (266 nguồn thải trong các khu công nghiệp và 485 nguồn thải ngoài khu công nghiệp).
Theo bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM, đạt được những kết quả trên là do thành phố đã phổ biến, quán triệt chương trình hành động, xây dựng kế hoạch triển khai chi tiết từ cấp sở ngành đến UBND 24 quận - huyện, các khu chế xuất, khu công nghiệp, cùng những đơn vị có liên quan.
Song song đó là thu thập thông tin nhằm tạo hệ thống cơ sở dữ liệu môi trường, phân công nhiệm vụ kết hợp với xây dựng biểu mẫu, chế độ báo cáo kết quả thực hiện. Tiếp nối kinh nghiệm trong triển khai thực hiện Chương trình giảm ô nhiễm môi trường giai đoạn 2011 - 2015, Sở Tài nguyên và Môi trường có nhiều thuận lợi trong việc triển khai thực hiện Chương trình giảm ô nhiễm môi trường giai đoạn 2016 - 2020. Để Chương trình giảm thiểu ô nhiễm môi trường giai đoạn 2016 - 2020 đạt hiệu quả cao, không chỉ đòi hỏi sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị thành phố, mà còn là sự chung tay của cả cộng đồng dân cư. Sự hiểu biết của người dân kết hợp với ý thức hành động vì môi trường đã góp phần để TPHCM ngày càng xanh - sạch - đẹp hơn.
Nỗ lực và quyết tâm hơn nữa
Bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ cho biết thêm, để tiếp tục triển khai chương trình giảm ô nhiễm môi trường đạt dược những mục tiêu đã đề ra, trong năm 2018, Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các sở ngành, quận, huyện triển khai đồng bộ các giải pháp như chương trình giảm ô nhiễm môi trường có các chỉ tiêu gắn chặt với các chương trình giảm ùn tác giao thông, giảm ngập nước, chỉnh trang đô thị. Để có thể thực hiện được những mục tiêu này, cũng cần tăng cường hơn nữa sự phối hợp để triển khai kịp thời kế hoạch nhằm đạt chỉ tiêu, giải pháp đề ra; đề xuất giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện để trình UBND TPHCM xem xét, quyết định nhằm đạt được các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra.
Đồng thời, tăng cường phối hợp giữa các sở ngành trong quá trình tham mưu, đề xuất các chính sách phù hợp để đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án xử lý nước thải tập trung, xử lý chất thải rắn và năng lượng tái tạo; chỉ tiêu về giảm ô nhiễm nước mặt và ô nhiễm không khí do hoạt động giao thông vận tải gây ra. Tiếp tục hoàn thiện, thống nhất hệ thống cơ sở dữ liệu và tin học hóa việc triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu về nguồn thải công nghiệp (nước thải, khí thải), nước thải y tế, nước thải sinh hoạt từ hoạt động thương mại - dịch vụ. Đặc biệt, tăng cường giám sát các nguồn thải công nghiệp; đôn đốc các chủ đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải theo đúng quy định. Tiếp tục hoàn thiện hệ thống quan trắc môi trường; tham mưu, đề xuất các chính sách bảo vệ môi trường phù hợp với chiến lược phát triển của thành phố.
Bên cạnh đó, TPHCM cũng sẽ đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả các chương trình phối hợp liên tịch về bảo vệ môi trường giữa các cơ quan Nhà nước. Kiên trì phát động, vận động và tổ chức phong trào hành động thiết thực bảo vệ môi trường sâu rộng trong cộng đồng dân cư, nhằm vận động nhân dân tham gia ngày càng nhiều hơn vào các hoạt động bảo vệ môi trường trong sinh hoạt hàng ngày, như phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn; phân loại chất thải nguy hại; hạn chế sử dụng túi ni lông, không xả rác, không làm mất vệ sinh môi trường, mỹ quan đô thị.
Tham gia vệ sinh đường phố, khu dân cư, trồng cây xanh. Khuyến khích và chia sẻ các giải pháp, sáng kiến bảo vệ môi trường trong sinh viên, học sinh, cộng đồng dân cư và doanh nghiệp.

Tin cùng chuyên mục