Tăng cường hợp tác bảo vệ bản quyền giữa các quốc gia

Trong thời buổi công nghệ ngày càng phát triển, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực nghệ thuật ngày càng trở nên khó khăn. Rất nhiều quốc gia trên thế giới đã và đang phải tìm nhiều cách để bảo vệ quyền lợi cho những người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật.
Cần nâng cao nhận thức về quyền sở hữu trí tuệ cho người dân, nhất là giới trẻ
Cần nâng cao nhận thức về quyền sở hữu trí tuệ cho người dân, nhất là giới trẻ

Quy mô

Một trong những vụ việc đình đám về vi phạm bản quyền gần đây diễn ra vào tháng 12-2020, khi 2 nhà xuất bản học thuật Elsevier, Wiley và Hiệp hội Hóa học Mỹ đã đệ đơn kiện 2 trang web Sci-Hub và Libgen vi phạm bản quyền. Theo các nguyên đơn, LibGen đã đánh cắp nội dung những bài viết mang tính học thuật và nghiên cứu trên trang web của Elsevier và cho khai thác miễn phí tại Ấn Độ. Trong khi để được cấp quyền đọc những bài viết này, độc giả của Elsevier phải trả phí truy cập. Còn Sci-Hub và nhà sáng lập của trang web này Alexandra Elbakyan bị cáo buộc cung cấp các nội dung có bản quyền mà chưa được cho phép. 3 nguyên đơn trên cũng nộp đơn kiện tại Ấn Độ, yêu cầu chặn vĩnh viễn, không cho người sử dụng truy cập các trang web này. Họ cho rằng giải pháp không cho truy cập là cách làm duy nhất bảo vệ quyền lợi khi việc giải quyết trực tiếp với các nền tảng trên không đem lại hiệu quả.

Về phần mình, Elbakyan lập luận rằng ở Ấn Độ, bản quyền không được áp dụng trong các trường hợp như Sci-Hub, khi tài liệu là cần thiết cho khoa học và giáo dục. Đầu tháng 1-2021, nhiều nhà khoa học, học giả, giáo viên và sinh viên cũng phản đối việc chặn các trang web trên. Thẩm phán JR Midha của Tòa án cấp cao Delhi cho hay những ý kiến trái chiều đều được lắng nghe trước khi đưa ra quyết định cuối cùng. Còn trong vụ kiện Sci-Hub tại Mỹ với các nguyên đơn là Elsevier và Hiệp hội Hóa học Mỹ, tòa án Mỹ đã ra phán quyết Sci-Hub vi phạm bản quyền và phải bồi thường các nguyên đơn lần lượt là 15 triệu USD và 4,8 triệu USD. Elbakyan không xuất hiện tại tòa và cũng không có ai làm đại diện pháp lý cho trang Sci-Hub trong những vụ kiện đó, và tiền phạt cho đến nay vẫn chưa được thanh toán.

Một vụ việc từng gây chấn động liên quan đến vi phạm bản quyền diễn ra vào 10 năm trước. Khi đó, tư pháp Mỹ đã ra lệnh đóng Megaupload, trang web chia sẻ nội dung lớn nhất, bị cáo buộc là vi phạm bản quyền. Ngoài sáng lập viên Kim Schmitz, được mệnh danh là Kim Dotcom, còn có 7 người điều hành công ty bị truy tố. Toàn bộ tài sản trị giá 50 triệu USD của Megaupload, trụ sở ở Hồng Công (Trung Quốc) bị tịch biên. 

Nhóm tin tặc Anonymous, tự nhận là hiện thân bảo vệ tự do trên không gian mạng, thời điểm đó đã trả đũa bằng cách tấn công vào hàng trăm trang web của Mỹ, trong đó có trang web của Cục Điều tra Liên bang (FBI) và Bộ Tư pháp. Thậm chí, Anonymous tấn công cả trang web của Phủ Tổng thống Pháp, vì Tổng thống Pháp thời điểm đó là Nicolas Sarkozy đã hoan nghênh quyết định nói trên của Mỹ. Nhóm Anonymous khẳng định đây là cuộc tấn công rộng lớn nhất từ trước đến nay, huy động đến 5.600 người…

Hợp tác quốc tế, nâng cao nhận thức về sở hữu trí tuệ

Nhắc lại các vụ việc lớn liên quan đến bản quyền trên thế giới để thấy rõ một điều từ nhiều năm qua, các nhà sản xuất phim ảnh, âm nhạc... đều cảm thấy bất lực trước nạn vi phạm bản quyền diễn ra với quy mô ngày càng lớn trên internet, nhất là thông qua những trang web như Megaupload. Thật ra, đây chỉ là nơi mà người sử dụng internet có thể lưu giữ những tập tin trên mạng một cách miễn phí. Nhưng ngày càng có nhiều người sử dụng các trang web như Megaupload để phát tán các tập tin nhạc, phim, sách báo trái phép. Một khi những tập tin đó được đưa lên Megaupload thì ai cũng có thể thoải mái tải về dùng. Người nào muốn tải nhanh và nhiều thì đóng một khoản phí, nhưng chủ yếu những trang web như Megaupload sống nhờ vào tiền thu quảng cáo. Với số người truy cập hàng ngày lên tới 50 triệu, công ty này tự hào là chiếm 4% mạng thông tin toàn cầu. Chính phủ Mỹ cáo buộc Megaupload là đã thu lợi khoảng 175 triệu USD và làm các tác giả bản quyền thiệt hại hơn 500 triệu USD do việc phổ biến những sản phẩm sao chép trái phép. Và chính vì hiệu quả các vụ khiếu kiện không cao như với Sci-Hub nên ngành công nghiệp xuất bản tiếp tục phải chịu cảnh hàng tỷ USD doanh thu bị thất thoát mỗi năm và hàng triệu USD tiền bản quyền bị tước đoạt.

Trước tình trạng vi phạm bản quyền ngày càng gia tăng, thời gian qua, nhiều quốc gia trên thế giới đã siết chặt các biện pháp nhằm bảo vệ tác giả. Ngoài việc cải cách các thủ tục, quy định, pháp luật để theo kịp và hỗ trợ công tác bảo vệ bản quyền, quyền tác giả và quyền liên quan, các nước đang tăng cường đối thoại chính sách mang tính quốc tế, phối hợp với Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới và tổ chức quốc tế khác trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ; phát huy hiệu lực các biện pháp và chính sách thực thi quyền sở hữu trí tuệ.

Nhiều nước hiện cũng tập trung nâng cao nhận thức về quyền sở hữu trí tuệ cho người dân, nhất là giới trẻ. Một số nước đã đưa nội dung này vào giáo dục trong các cấp học phổ thông. Tại Canada, từ năm 2009-2019, 80-90% người dân được giáo dục về Luật Bản quyền.

Tại Nhật Bản, để đối phó với vi phạm bản quyền ở nước ngoài, nước này đã thành lập Hiệp hội xúc tiến lưu hành sản phẩm văn hóa ở nước ngoài (CODA). Theo CODA, môi trường xã hội đang thay đổi rất nhiều trước sự phát triển của công nghệ số và phổ biến thiết bị đầu cuối đa chức năng. Vì vậy, việc hợp tác trong bảo vệ quyền tác giả giữa các quốc gia ngày càng quan trọng. Điều này được thấy rõ tại Mỹ. Dù đạo luật bản quyền kỹ thuật số thiên niên kỷ (DMCA) ra đời từ năm 1998, quy định trách nhiệm bản quyền trên internet, cho phép tác giả, nhà xuất bản và chủ sở hữu bản quyền gửi thông báo gỡ xuống để phản ứng vi phạm bản quyền, thế nhưng các trang web hoặc kênh YouTube vi phạm thường có trụ sở hoạt động bên ngoài lãnh thổ nước Mỹ.

Tin cùng chuyên mục